TN - Đất & Người

Ia Grai nỗ lực giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ tích cực thực hiện các dự án, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và sự nỗ lực thay đổi nếp nghĩ, cách làm nên cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện Ia Grai đã thay đổi rõ rệt, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017, toàn huyện có 449 hộ thoát nghèo. Là một trong những hộ mới thoát nghèo, ông Rơ Châm Ar (làng Tung Chruk, xã Ia Khai) cho biết: “Cách đây 2 năm, vợ chồng tôi mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ nguồn tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng 2 ha điều, 200 cây cao su và nuôi 3 con bò. Nhờ đó, gia đình tôi mới làm được căn nhà hơn 100 triệu đồng”.

 

Một góc xã Ia O (huyện Ia Grai). Ảnh: internet
Một góc xã Ia O (huyện Ia Grai). Ảnh: internet

Ông Ksor Men-Trưởng thôn O (xã Ia O) cho biết: “Nhiều năm qua, 152 hộ trong làng nhờ được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng… nên đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua giống, phân bón để thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích điều, cao su tiểu điền, hồ tiêu, cà phê và chăn nuôi bò… Hiện nay, làng không còn hộ đói, chỉ còn 9 hộ nghèo do neo đơn, bệnh tật”.  

Gia đình ông Rơ Châm Luyến (làng O) được xem là hộ tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi. Bình quân mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông tích lũy trên 100 triệu đồng. Theo chia sẻ của ông Luyến, có được kết quả ấy, vợ chồng ông đã không ngại khó, chăm chỉ làm ăn. Đồng hành với nỗ lực của gia đình là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về giống và kỹ thuật sản xuất. Sau khi tham gia các lớp tập huấn tại địa phương, ông bàn với vợ làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 50 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Sau đó, ông cải tạo đất để trồng 10 ha điều, 8 ha cao su, 3 ha cà phê và nuôi trên 30 con bò. “Sau khi chia cho các con, hiện nay, gia đình mình còn lại 5 ha điều, 2 ha cao su, 1 ha cà phê, 6 con bò và 5 sào lúa nước, mỗi năm tích lũy trên 100 triệu đồng. Mình sẽ cố gắng hướng dẫn bà con trong làng cùng làm theo để thoát nghèo”-ông Luyến chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Ksor Tuy-Bí thư Đảng ủy xã Ia O, cho biết: “Xã có 9 làng, trong đó làng O có kinh tế khá nhất, bà con trong làng hộ nào cũng chịu khó lao động và tích cực áp dụng khoa học vào sản xuất. Để tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể của xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm”.

 

Ông Ngô Khôn Tuấn-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ia Grai: “Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, phấn đấu giảm từ 350 đến 400 hộ/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3-4%/năm; phấn đấu tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo như: y tế, giáo dục, điều kiện sống cơ bản, thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội…”.

Cùng với xã Ia Khai và Ia O, nhiều hộ ở các xã Ia Sao, Ia Tôr, Ia Dêr… cũng đã nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Để có được kết quả đó, huyện Ia Grai thường xuyên tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện để xây dựng thành dự án, mô hình điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 1,93% so với đầu năm (tổng số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2.710 hộ, với tỷ lệ 10,49%).

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm