Kinh tế

Ia Grai: Sẵn sàng trong công tác phòng-chống lụt bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ia Grai là một trong những huyện có hệ thống sông, suối tương đối phức tạp. Việc chủ động phòng-chống lụt bão hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, bão, lụt gây ra nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chính quyền các cấp ở huyện Ia Grai. 

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng-chống lụt bão (BCHPCLB) huyện Ia Grai, trong năm 2013 trên địa bàn huyện, mưa bão đã gây sạt lở, bồi lấp hơn 4 ha lúa nước ở các xã Ia Pếch, Ia Bă và gây ngập úng cục bộ khoảng 5 ha lúa ở các cánh đồng trên địa bàn huyện. Đặc biệt, những cơn mưa đầu mùa kèm theo gió lớn, lốc xoáy đã làm 15 nhà của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ia Chía bị tốc mái. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
 

Ảnh: Quang Tấn
Ảnh: Quang Tấn

Vì vậy, để chủ động ứng phó với mọi diễn biến của thiên tai, bão lũ, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, ngay từ đầu năm 2014, UBND huyện đã cũng cố lại BCHPCLB của huyện. Theo đó, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-Cơ quan Thường trực Ban chỉ huy về công tác phòng-chống lụt bão huyện tổ chức hội nghị tổng kết rút kinh công tác phòng-chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013, từ đó tham mưu xây dựng phương án năm 2014 và đề xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ huy. Đồng thời, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn phải xây dựng phương án và kế hoạch phòng-chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất với phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).

Cùng với đó, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ thủy lợi, thủy điện, phối hợp với các địa phương triển khai di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư, quản lý các công trình giao thông thủy lợi, thủy điện xây dựng phương án phòng-chống lũ cho từng công trình, chuẩn bị phương tiện và bố trí lực lượng ứng trực để bảo vệ công trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão. Cũng như, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để vượt lũ, quản lý, bảo vệ tốt công trình, tránh để xảy ra vỡ đập, sạt lở, hư hỏng công trình, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của nhân dân. Đặc biệt, huyện thường xuyên, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện phải hoàn chỉnh sớm các hạng mục xây dựng, sửa chữa các công trình do đơn vị quản lý, khai thác, tổ chức tích nước và xả lũ hợp lý. Cùng với đó, các xã, thị trấn cần xây dựng lực lượng dân quân, thanh niên xung kích, tổ chức trực ban 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra do mưa bão.

Triển khai các thành viên Ban chỉ huy phòng-chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã đến các thôn làng, tổ, đội… kiểm tra, nhắc nhở nhân dân các biện pháp đối phó với bão lũ như chèn chống nhà cửa, không qua lại các sông, suối lớn, không ngủ qua đêm tại rẫy trong thời gian có bão, mưa to, gió lớn…

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị để ứng phó với mọi tình huống xấu trong mùa mưa bão năm nay cơ bản đã hoàn tất. Lực lượng huy động dự kiến từ các ban, ngành và các cấp tham gia công tác phòng, tránh, ứng phó khi thiên tai, bão lũ, lũ quét, sạt lở đất đảm bảo khoảng 925 người, cũng như huy động phương tiện, trang-thiết bị sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng-chống lụt bão như thuốc men, hóa chất, xe con, xe tải nhỏ, xe múc, xe lu, áo phao, áo mưa… Với sự chuẩn bị chu đáo của các ban ngành, địa phương trên địa bàn huyện, hy vọng mùa mưa bão năm nay tài sản và tính mạng của người dân sẽ được đảm bảo an toàn.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm