(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước hồ thủy điện, nhiều hộ dân ở xã Ia Grăng (huyện Ia Grai, Gia Lai) đã đầu tư nuôi cá lồng. Bước đầu, mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, nâng cao đời sống người dân và mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Ia Grăng là một trong những xã khó khăn của huyện Ia Grai, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực như: cà phê, điều, mì. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ tận dụng lợi thế diện tích mặt nước từ công trình thủy điện, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng. Để giúp cho người dân tiếp cận với nghề nuôi trồng thủy sản, nâng cao đời sống, ngày 25-10-2019, UBND huyện Ia Grai đã phê duyệt cho UBND xã Ia Grăng triển khai dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ia Grăng 1 tại làng Hlũ; thời gian thực hiện từ năm 2019 đến 2020, đồng thời giao cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 1,53 tỷ đồng, trong đó, vốn chương trình xây dựng nông thôn mới 343 triệu đồng và vốn nhân dân đóng góp hơn 1,19 tỷ đồng. Tham gia mô hình có 26 thành viên của HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng.
Anh Trần Vũ Hùng-thành viên HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng cho cá ăn. Ảnh: G.H |
Anh Trần Vũ Hùng-thành viên HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng-cho biết: “Hợp tác xã muốn tìm hướng đi mới cho thành viên nên đã tận dụng diện tích mặt nước trên địa bàn để triển khai mô hình nuôi cá lồng. Những ngày đầu nuôi cá, các thành viên cũng gặp nhiều khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, chế độ cho ăn, theo dõi nguồn nước, sức khỏe của cá... Ngoài ra, vào đầu mùa mưa, nguồn nước thường không đảm bảo khiến cá hay bị bệnh ngoài da. Để bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm nuôi cá, HTX đã cử thành viên đi tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức và đi tham quan một số mô hình trên địa bàn tỉnh”.
Hiện tại, HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng đang nuôi cá diêu hồng, trắm cỏ trong 7 ô lồng với tổng diện tích mặt nước khoảng 250 m2. Mỗi lứa cá diêu hồng nuôi khoảng 7 tháng là đạt trọng lượng 0,7-1 kg/con và có thể xuất bán. Còn cá trắm cỏ thì có thời gian nuôi khoảng 1 năm mới xuất bán. Theo anh Hùng, lứa đầu tiên, HTX thu hoạch được khoảng 30 tấn cá thương phẩm. Với giá khoảng 40 ngàn đồng/kg cá diêu hồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, HTX lãi hơn 300 triệu đồng/vụ. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ nuôi thêm những loại khác như cá trê, cá chình. Đồng thời, HTX sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ để đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm”-anh Hùng chia sẻ.
Mô hình nuôi cá lồng của HTX Nông nghiệp và Thủy sản Ia Grăng. Ảnh: Gia Hưng |
Trên địa bàn xã còn có một số hộ dân đang nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, cho thu nhập ổn định. Ông Lê Quang Đạo-Chủ tịch UBND xã Ia Grăng-cho biết: Từ năm 2017, người dân trong xã đã bắt đầu nuôi cá lồng nhưng quy mô còn nhỏ. Từ năm 2019 đến nay, mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn xã có bước phát triển về quy mô diện tích, số hộ tham gia cũng nhiều hơn trước. Đây là hướng đi mới, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của xã.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Ia Grai có hơn 400 ha mặt nước thuộc các công trình thủy điện, hồ đập thủy lợi, ao, hồ. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Do đó, hiện nay, người dân tại các xã Ia O, Ia Tô, Ia Grăng và thị trấn Ia Kha đang phát triển mô hình nuôi cá lồng. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn huyện hàng năm khoảng 260 tấn. “Nếu so sánh với các cây trồng, vật nuôi khác thì nuôi cá lồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây sẽ là hướng đi mới cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn huyện thời gian tới”-ông Hưng cho hay.
GIA HƯNG