(GLO)- Hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật và vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được xem là những giải pháp hữu hiệu mà nhiều năm qua xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) đã triển khai để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Là xã vùng III của huyện Chư Pưh với 67% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống của người dân Ia Hla vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để giải quyết bài toán giảm nghèo bền vững, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cán bộ xã Ia Hla hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho người dân. Ảnh: A.H |
Theo ông Dương Đình Bình-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hla, để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, các ban ngành, đoàn thể của xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. “Đặc biệt, xã cũng phân công và chỉ đạo cán bộ phụ trách các thôn, làng thường xuyên bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc hỗ trợ các hộ nên trồng cây gì, nuôi con gì và trồng ra sao, nuôi như thế nào cho hiệu quả”-ông Bình nhấn mạnh.
Song song với công tác tuyên truyền, xã cũng tích cực vận động nhân dân tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng… Đồng thời, xã cũng tạo điều kiện cho 757 hộ dân được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền trên 18 tỷ đồng thông qua các tổ vay vốn do các Hội, đoàn thể quản lý, trong đó ưu tiên cho các hộ nghèo người dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Sử-Trưởng thôn Sur B, cho biết: “Hầu hết các hộ dân trong thôn khi được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đầu tư phát triển kinh tế gia đình bằng việc trồng cà phê, hồ tiêu, chanh dây, chăn nuôi heo, bò... Nhiều hộ đã sử dụng nguồn vốn vay để mua giống, phân bón đầu tư thâm canh tăng vụ, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh…”.
Với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm, gia đình anh Rơ Lan Thiêm (thôn Hla) được xem là hộ tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của thôn. Nhưng theo chia sẻ của anh Thiêm, thành quả ấy chẳng phải ngẫu nhiên có được mà nhờ sự lao động miệt mài của vợ chồng anh trong nhiều năm và cả sự giúp sức của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ giống, vốn. Gia đình anh Thiêm có vài ha đất sản xuất, nhưng vì không có tiền mua giống, phân bón đầu tư nên đa phần bỏ hoang hoặc có trồng cũng chẳng thu được bao nhiêu. Đó là nguyên nhân khiến gia đình anh Khiêm trước đây dù “giàu” về đất đai song vẫn nghèo. Không muốn cái nghèo mãi đeo bám nên mỗi khi các cấp, các ngành tổ chức hội thảo, tập huấn tại địa phương, anh đều nhiệt tình tham gia. Anh cũng bàn với vợ làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền 30 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Có vốn, có kiến thức, anh mạnh dạn cải tạo lại diện tích đất của gia đình trồng cà phê và một số cây lương thực ngắn ngày: bắp, lúa, đậu đỗ các loại… để “lấy ngắn nuôi dài”.
“Hiện nay, gia đình tôi đang trồng 1 ha lúa nước 2 vụ, 1 ha bắp và 500 cây cà phê, thu nhập bình quân mỗi năm, trừ các chi phí, còn trên 100 triệu đồng. Gia đình tôi giờ đã đủ ăn, không còn đói khổ như trước nữa! Tôi sẽ cố gắng hướng dẫn cho bà con trong làng cùng làm theo để thoát nghèo”-anh Thiêm chia sẻ.
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo trong xã tính đến cuối năm 2015 đã giảm xuống còn 22,91%. Tuy nhiên, tính theo tiêu chí đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo tại xã vẫn còn cao-chiếm 36,49% (năm 2016). Vì vậy, “Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục lồng ghép nhiều nguồn lực để ưu tiên cho hộ nghèo, hộ khó khăn vay vốn phát triển kinh tế; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân”-ông Dương Đình Bình khẳng định.
Anh Huy-Trần Ngọc