Quang cảnh buổi khảo sát tại xã Ia Kreng, huyện Chư Păh. Ảnh: Trần Dung |
Tham dự buổi khảo sát có ông Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cùng đại diện một số Ban HĐND tỉnh.
Xã Ia Kreng được chia tách từ xã Ia Mơ Nông từ năm 2009. Xã có 571 hộ với trên 2.000 khẩu; trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 97,37%. Ia Kreng hiện là xã đặc biệt khó khăn với 3 làng dân tộc thiểu số. Năm 2023, xã còn 311 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 54,5%) và 165 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 28,89%). 100% hộ nghèo, cận nghèo của xã là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân của người dân đạt trên 13 triệu đồng/năm.
Hiện Ia Kreng mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt 66,42%; 99% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt; 100% hộ được sử dụng nước sinh hoạt nhưng chất lượng nước chưa đảm bảo và chưa đáp ứng đủ nhu cầu; tỷ lệ huy động trẻ đến trường ở các cấp học đạt 100%. Toàn xã còn 179 hộ còn khó khăn về nhà ở; đất sản xuất đồi dốc gây khó khăn trong quá trình canh tác nông nghiệp…
Tại buổi khảo sát, các thành viên đoàn khảo sát và lãnh đạo xã Ia Kreng đã thảo luận, phân tích rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương như: tỷ lệ hộ nghèo cao, công tác giảm nghèo chưa bền vững; sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thổ nhưỡng, thời tiết nên năng suất các loại cây trồng thấp; năng lực công tác của một số cán bộ còn hạn chế; các văn bản hướng dẫn trong một số chương trình mục tiêu quốc gia chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện…
Đoàn công tác đến khảo sát về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại làng Díp, xã Ia Kreng. Ảnh: Trần Dung |
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Đinh Thị Giang nêu rõ, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tổ chức khảo sát về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại xã Ia Kreng nhằm mục đích tìm ra những khó khăn, vướng mắc của địa phương để có những cơ chế, chính sách phù hợp giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Qua khảo sát, ghi nhận tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của Ia Kreng còn cao, người dân gặp nhiều khó khăn về nhà ở và đất sản xuất. Vì vậy, địa phương cần có những đề xuất, kiến nghị phù hợp để đoàn khảo sát tổng hợp gửi cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết và có cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.