Kinh tế

Ia Ly - "Chìa khóa" mở cơ chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước công trình Thủy điện Ia Ly, Việt Nam từng xây dựng 2 công trình thủy điện lớn là Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) và Trị An (tỉnh Đồng Nai) với sự viện trợ, giúp đỡ của Liên Xô kể cả về tài chính, kỹ thuật…, nói nôm na là được bao cấp gần như toàn bộ. Nhưng đến công trình Thủy điện Ia Ly, mọi việc đều đã khác. Đây là công trình thủy điện lớn đầu tiên được xây dựng bằng nguồn lực chính của người Việt với cơ chế tự chủ.
Mở “nút thắt” quan trọng
Tuy đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng ông Huỳnh Nở-nguyên Phó Trưởng ban Quản lý dự án công trình Thủy điện Ia Ly vẫn nhớ chi tiết mọi việc diễn ra cách đây tròn 30 năm. Ông kể, việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Ia Ly ngày ấy gặp rất nhiều gian truân, vất vả. Ngay việc đấu tranh, thuyết phục để có sự đồng thuận về chủ trương xây dựng Nhà máy Thủy điện Ia Ly cũng đã là một quá trình gian nan. Lúc đó, Liên Xô đang rơi vào quá trình suy thoái về kinh tế, tan rã về chính trị mà Việt Nam còn quá nghèo, lại chưa từng tự xây dựng công trình thủy điện nào có công suất lớn như vậy. Vì thế, không ít người phản đối với lý do rất thuyết phục: Tiền ở đâu ra và xây dựng như thế nào?
 Đập tràn và đập dâng Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: H.A
Đập tràn và đập dâng Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: H.A
Ngược lại, có những người luôn ủng hộ xây dựng công trình này trên mọi diễn đàn, mọi lúc, mọi nơi có thể, đó là các ông: Sô Lây Tăng-lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum; ông Thái Phụng Nê-lúc đó vừa từ Thủy điện Hòa Bình về làm cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Năng lượng (ông Thái Phụng Nê là bậc thầy trong lĩnh vực thủy điện nên mỗi khi trình dự án là có cơ sở thuyết phục, không phản biện nào bác bỏ được); ông Văn Giai-Giám đốc Công ty Điện lực 3, người xâu chuỗi các ý kiến ủng hộ việc xây dựng công trình Thủy điện Ia Ly của 6 tỉnh khu vực miền Trung. Rốt cuộc, bằng sự kiên trì thuyết phục của lãnh đạo địa phương và các chuyên gia, Quốc hội cũng thông qua và Chính phủ cho phép xây dựng công trình Thủy điện Ia Ly.
Ngày 3-2-1989, Ban Quản lý dự án công trình Thủy điện Ia Ly có quyết định thành lập, do ông Trần Quí Hảo làm quyền Chủ nhiệm; 3 tháng sau, Ban Quản lý làm lễ ra mắt. Nói là Ban nhưng lúc đầu cũng chỉ có vài người, được UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum giao một căn nhà nhỏ để làm trụ sở và 1 chiếc xe ca Hải Âu để đi làm nhiệm vụ giao dịch, khảo sát và xin lương… “Lúc đó, Ban ít người mà việc thì nhiều, khó khăn từ việc lớn đến việc nhỏ, lo làm sao có tài liệu cung cấp phục vụ việc điều tra, khảo sát, rồi lo cả từng bữa ăn cho nhau vì thiếu thốn…”-ông Nở nhớ lại. Nhưng rồi mọi việc cũng xuôi, tiến dần đến việc xây dựng công trình Thủy điện Ia Ly để đáp ứng mong mỏi của người dân Tây Nguyên cũng như cả nước.
Lúc này, có rất nhiều phương án lựa chọn, từ công suất vài chục MW cũng có, nhưng phương án xây dựng Nhà máy Thủy điện Ia Ly có công suất 720 MW là thuyết phục nhất, kể cả về mặt kinh tế cũng như kỹ thuật. Đây là lúc bài toán tìm đâu ra nguồn vốn rất lớn để xây dựng công trình cần có lời giải. Lúc đầu, Việt Nam ký Nghị định với Liên Xô để vay vốn xây dựng công trình bằng phương thức hàng đổi hàng. Nguồn vốn đã có, tuy nhiên không lâu sau đó bị tắc vì Liên Xô đã chính thức tan rã. Thời điểm này, sau nhiều lần đàm phán tìm cách vay vốn của Ngân hàng thế giới, Việt Nam vẫn bị từ chối vì những yêu cầu quá khắt khe, không thể đáp ứng.
Nếu cứ dựa vào sự điều hành cũ thì việc vay vốn gần như hết đường. Vì vậy, Ban Quản lý Dự án công trình lúc này được tách khỏi Công ty Điện lực 3, thành lập Ban Quản lý Dự án công trình Thủy điện Ia Ly trực thuộc Bộ Năng lượng, mở ra khả năng, tính chủ động trong quan hệ vay vốn. Khi tìm đến với Nga đặt vấn đề thì nước bạn chấp nhận cung cấp thiết bị trên cơ sở cơ chế mới-cơ chế thị trường-và là đối tác của nhau, đôi bên cùng có lợi. Trên cơ sở đó, các đối tác là cơ quan thiết kế, cung cấp thiết bị từ Nga và nhiều nước thuộc nhóm G7; rồi ký kết hợp đồng với tư cách bên B (rất nhiều B: Viện Thiết kế, Thủy công Moscow, Tư vấn, Thiết kế điện 1, xây dựng, lắp máy…); sau này là hợp đồng đào tạo nhân lực, quản lý, vận hành cùng áp dụng chung một cơ chế là đối tác của nhau.
Trên nguyên tắc như vậy, việc huy động vốn được mở ra và số vốn ban đầu huy động được là 5.713 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước là 3.850 tỷ đồng, còn lại là vốn vay nước ngoài (tính theo giá quý II-1992). Và đây chính là chiếc chìa khóa mở ra cơ chế mới cho việc xây dựng công trình Thủy điện Ia Ly nói riêng và các công trình thủy điện của Việt Nam sau đó nói chung. 
“Nút thắt” quan trọng đã mở. Sau một thời gian chuẩn bị mặt bằng thi công, ngày 4-11-1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã vào phát lệnh khởi công xây dựng công trình.
Tạo nền móng vững chắc
Giai đoạn xây dựng công trình Thủy điện Ia Ly là bước chuyển sang cơ chế đối tác rõ rệt nhất trên cơ sở lợi ích kinh tế của mỗi bên. Mặc dù thời điểm đó, nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích cho nhiều đối tác gồm cả Nga và các nước G7, nhưng bù lại, tại công trình Thủy điện Ia Ly, Ban Quản lý Dự án nắm quyền chủ động trong việc lựa chọn mua sắm thiết bị, giám sát lắp đặt, nghiệm thu… nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Mặt khác, người Việt Nam được tham gia xây dựng ở hầu hết các vị trí. Nếu như công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình thường xuyên có mặt khoảng 2.000 chuyên gia Liên Xô thì ở Thủy điện Ia Ly thời kỳ cao điểm chỉ thuê 100 chuyên gia Nga. Cũng tại đây, lần đầu tiên, chuyên gia Việt Nam được ngồi bàn bạc sòng phẳng với chuyên gia nước ngoài để quyết định các vấn đề.
 Các thành viên Ban quản lý Dự án công trình thủy điện Ia Ly trong lễ ra mắt (ngày 8-5-1989). Ảnh: H.A
Các thành viên Ban quản lý Dự án công trình thủy điện Ia Ly trong lễ ra mắt (ngày 8-5-1989). Ảnh: H.A
Đến năm 1998, khi công trình Thủy điện Ia Ly bước vào giai đoạn lắp máy thì Ban chuẩn bị sản xuất được thành lập. Ông Huỳnh Nở khi ấy là Phó Trưởng ban Quản lý Dự án kiêm Trưởng ban Chuẩn bị sản xuất (gọi tắt là Ban C). Đây cũng là lần đầu tiên ban này tại Việt Nam có quyền được giám sát việc mua, lắp đặt thiết bị, có quyền từ chối nghiệm thu nếu các thiết bị không đảm bảo chất lượng.
Tạo ra được cơ chế tự chủ về việc vay vốn, chủ động trong quản lý, giám sát, chủ động từ việc thiết kế đến thi công, chủ động lựa chọn thiết bị đến giám sát lắp đặt, nghiệm thu, vận hành và đặc biệt người Việt Nam tham gia phần lớn quá trình xây dựng công trình đã thực sự tạo nền móng vững chắc về trình độ quản lý, thi công, vận hành cho các công trình thủy điện được xây dựng sau này. Kết quả từ việc xây dựng công trình Thủy điện Ia Ly đã vượt quá sự mong đợi của đội ngũ quản lý, kỹ sư, công nhân xây dựng. Từ đây, họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu và nhanh chóng trưởng thành.
Ông Đoàn Tiến Cường-Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly-cho biết: Sau khi công trình xây dựng xong thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao Công ty quản lý vận hành 3 nhà máy thủy điện trên sông Sê San là Ia Ly, Plei Krông và Sê San 3. Từ đó đến nay, năm nào các nhà máy cũng đạt hệ số an toàn cao theo yêu cầu, khẳng định vai trò và trình độ của người Việt Nam trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành... các công trình thủy điện. Các nhà máy thủy điện trên dòng Sê San đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an toàn cho việc vận hành đường dây 500 KV suốt tuyến Bắc-Nam. Mỗi năm, chỉ riêng 3 nhà máy thủy điện do Công ty quản lý đã sản xuất trên dưới 5 tỷ kWh điện, đóng góp đáng kể nguồn năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Về thuế, tùy thuộc mỗi năm, Công ty Thủy điện Ia Ly nộp cho Nhà nước và 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum khoảng 1.000 tỷ đồng.
HOÀNG ANH

Có thể bạn quan tâm