(GLO)- Là địa bàn đứng chân của một số đơn vị quân đội như Công ty 72 (Binh đoàn 15) và Đồn Biên phòng Ia Nan, xã biên giới Ia Nan (huyện Đức Cơ, Gia Lai) có thêm điều kiện huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn, nhất là tại các vùng dân tộc thiểu số.
Xã Ia Nan hiện có 1.837 hộ/7.875 nhân khẩu sinh sống tại 10 thôn làng, trong đó có 546 hộ người Jrai. Ngoài tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương, Công ty 72 còn thường xuyên hỗ trợ địa phương thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, chung tay xây dựng NTM. Chỉ tính trong năm 2017, Công ty đã phối hợp cùng chính quyền xã Ia Nan thực hiện nâng cấp, sửa chữa 7,3 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 1 cây cầu dân sinh và bê tông hóa 310 m đường với tổng kinh phí gần 560 triệu đồng. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan cũng đóng góp trên 360 ngày công để nạo vét 2 km kênh mương, khắc phục hậu quả các trận mưa lớn, lũ quét và hạn hán.
Hạ tầng giao thông nông thôn tại xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Hải Lê |
Ngoài ra, các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn còn hỗ trợ xây dựng 9 căn nhà và sửa chữa, nâng cấp 5 căn nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn với tổng kinh phí 424 triệu đồng; giúp người dân sản xuất lúa nước, thực hiện mô hình kết nghĩa, khám-chữa bệnh miễn phí, tặng quà cho học sinh nghèo, gia đình chính sách… Sự chung tay này đã đóng góp thiết thực cho địa phương trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
Đặc biệt, người dân một số thôn của xã Ia Nan cũng vận động nhau đóng góp tiền của, công sức cùng chung tay xây dựng bộ mặt nông thôn Ia Nan, trong đó nổi bật là các thôn: Đức Hưng, Ia Chía, Ia Tum... Mới đây, người dân thôn Đức Hưng đã đóng góp 120 triệu đồng cùng với Nhà nước thi công nâng cấp 1,7 km đường liên thôn để bà con đi lại được thuận lợi, an toàn...
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát mới nhất, xã Ia Nan mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, khá thấp so với mặt bằng chung của nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện. Bà Bùi Thị Thanh-Chủ tịch UBND xã Ia Nan, cho biết: “Là xã vùng sâu, vùng xa, đời sống và nhận thức của người dân không đồng đều nên việc triển khai các chương trình gặp không ít khó khăn, nhất là tại các làng dân tộc thiểu số”.
Trao đổi cùng P.V, bà Thanh chia sẻ: Trong số 12/19 tiêu chí chưa đạt, khó nhất là tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, nhà ở và vệ sinh môi trường. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân Ia Nan mới chỉ đạt 24,62 triệu đồng/người/năm. Nếu đem đối chiếu với quy định của xã vùng I, vùng II là 31 triệu đồng/người (năm 2017), rồi nâng lên 35 triệu đồng/người (năm 2018) và lên mức 38 triệu đồng/người (năm 2019) là rất khó khả thi. Hay với tiêu chí hộ nghèo, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã là 11,4%. Trong tình hình cà phê, hồ tiêu, cao su liên tục mất giá, mất mùa như vài năm gần đây thì tiêu chí này sẽ rất khó hoàn thành, vì hầu hết thu nhập của bà con đều dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với các làng người dân tộc thiểu số thì càng khó khăn hơn, bởi việc huy động sức đóng góp còn hạn chế, xuất phát điểm thấp, tập quán canh tác, sản xuất và sinh hoạt ít nhiều còn lạc hậu, vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại.
Hiện nay, Ia Nan còn 35 hộ ở nhà tạm, nhà dột nát (chiếm 1,9%), tất cả đều thuộc diện hộ nghèo, hộ mới tách. Hiện vẫn còn 4,8% số hộ (chủ yếu là các hộ người dân tộc thiểu số) chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh. Và cũng mới chỉ có 259/464 hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh (chiếm tỷ lệ 55,8%)… Theo kế hoạch, năm 2018 xã Ia Nan phấn đấu hoàn thành thêm 2 tiêu chí NTM (tiêu chí giao thông và cơ sở vật chất văn hóa) với 10 nội dung. “Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc khai thác tối đa và có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Nhà nước cũng như từ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong việc cùng với địa phương vượt khó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM”-Chủ tịch UBND xã Ia Nan nhấn mạnh.
Hải Lê