Kinh tế

Ia Pa: Hơn 1.300 hộ dân tham gia Dự án hỗ trợ giống lúa mới TBR97

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 29-8, tại nhà văn hóa xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tổng kết dự án hỗ trợ giống lúa mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất lúa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa tại 5 xã Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul, Ia Broăi, Ia Trok.
Sau hơn 3 tháng triển khai giống lúa TBR97 được đánh giá chịu sâu bệnh tốt, mỗi ha cho năng suất khoảng 75 tạ. Ảnh: Vũ Chi

Sau hơn 3 tháng triển khai giống lúa TBR97 được đánh giá chịu sâu bệnh tốt, mỗi ha cho năng suất khoảng 75 tạ. Ảnh: Vũ Chi

Theo đó, vụ mùa 2023, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã triển khai dự án tại 5 xã Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul, Ia Broăi, Ia Trok trên diện tích 560 ha với 1.315 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 11,7 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng, người dân đóng góp hơn 10,2 tỷ đồng. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% kinh phí mua lúa giống (riêng xã Ia Tul và Chư Mố được hỗ trợ 70%), cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám đồng tư vấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng bà con cùng tham quan ruộng mô hình tại xã Chư Mố. Sau hơn 3 tháng triển khai, kết quả cho thấy giống lúa TBR97 có khả năng chống chịu khá đối với rầy nâu và bệnh đạo ôn, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các địa phương của huyện Ia Pa. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, bà con tiết kiệm được giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất trung bình đạt 75 tạ/ha. Với mức giá 6.000 đồng/kg, bình quân 1 ha sau khi trừ chi phí, người dân lãi 20 triệu đồng, cao hơn ruộng truyền thống 8,3 triệu đồng/ha. Nếu so sánh kết quả gạo thành phẩm, ruộng mô hình mang lại lợi nhuận 34,2 triệu đồng/ha, cao hơn giống lúa truyền thống 20,2 triệu đồng/ha.

Dự án giúp người dân thay đổi nhận thức về việc chọn giống, thay thế các giống lúa chất lượng thấp tại địa phương bằng các giống lúa mới chất lượng cao; tạo ra sản phẩm gạo sạch cung cấp cho người tiêu dùng tại huyện Ia Pa và các huyện, thị lân cận, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Có thể bạn quan tâm