Kinh tế

Ia Pa khẩn trương khoanh vùng, dập dịch tả heo châu Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 15 ngày qua, tại thôn 1 (xã Kim Tân, huyện Ia Pa) xuất hiện 2 ổ dịch tả heo châu Phi. Hiện ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan ra diện rộng.

Nhìn 100 m2 chuồng trại của gia đình giờ phải bỏ không, bà Phan Thị Kim Huệ (thôn 1, xã Kim Tân) không khỏi xót xa vì 14 con heo thịt có trọng lượng gần 7 tạ của gia đình vừa phải tiêu hủy vì nhiễm dịch tả heo châu Phi. Sau đợt dịch tả heo châu Phi năm 2019, gia đình bà đầu tư cải tạo chuồng nuôi theo hướng an toàn sinh học. Với quy trình chăn nuôi khép kín, 2 năm qua, bà khá yên tâm vì đàn heo của gia đình phát triển bình thường.

Nhưng năm nay, gia đình bà là hộ chăn nuôi đầu tiên của huyện có đàn heo bị bệnh. “Chỉ trong vòng vài ngày, 14 con heo vốn khỏe mạnh bỗng bỏ ăn rồi chết. Nghi heo mắc bệnh nên gia đình báo với chính quyền địa phương để được hỗ trợ xử lý. Giờ thì bao nhiêu vốn liếng mất trắng hết rồi, nhìn chuồng trại bỏ không mà ứa nước mắt. Cứ dịch bệnh thế này chắc gia đình bỏ hẳn nghề nuôi heo”-bà Huệ buồn rầu nói.

Lực lượng chức năng phun hóa chất khử trùng tại các hộ có heo bị dịch tả châu Phi. Ảnh: V.C

Lực lượng chức năng phun hóa chất khử trùng tại các hộ có heo bị dịch tả châu Phi. Ảnh: V.C

Gia đình ông Trịnh Xuân Cường là hộ thứ hai tại thôn 1 xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Năm 2019, dịch tả heo châu Phi bùng phát, gia đình ông đã chịu thiệt hại nặng nề khi phải tiêu hủy gần 2 tấn heo nhiễm bệnh. Sau cú sốc đó, ông bỏ trống chuồng trại.

Đầu năm nay, ông quyết định tái đàn nhưng chuyển sang nuôi heo rừng lai. Tuy nhiên, ông cũng chỉ thử nghiệm nuôi 1 con heo nái và 1 con heo thịt. Cách đây 1 tháng, lứa heo 9 con đầu tiên bị chết khi vừa ra khỏi bụng mẹ, chỉ 1 con còn sống. Đến ngày 18-8 vừa qua, cả 3 con gồm 1 heo nái, 1 heo thịt và 1 heo con còn lại với tổng trọng lượng 120 kg cùng có dấu hiệu bỏ ăn, sốt.

Ông Cường chia sẻ: “Tôi không biết dịch lây lan từ đâu vì gia đình chăn nuôi hoàn toàn bằng cám gạo và rau trong vườn. Đã qua 5 năm nên mầm bệnh cũ khó có thể tồn tại trong chuồng. Diễn biến bệnh quá nhanh, gia đình không kịp trở tay. Vì số lượng heo ít và khuôn viên của gia đình rộng rãi nên tôi xin phép chính quyền đào hố tiêu hủy ngay tại vườn để tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra bên ngoài. Gia đình cũng tuân thủ nghiêm quy tắc phun thuốc, rắc vôi bột tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng nuôi, xung quanh nhà và tại khu vực chôn lấp, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”.

Theo ông Lê Hữu Hưng-Chủ tịch UBND xã Kim Tân: Hiện toàn xã có 37 hộ chăn nuôi heo với 378 con. Mặc dù từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã không xảy ra dịch tả heo châu Phi nhưng xã lân cận là Chư Răng thì năm nào cũng tái phát dịch. Vì vậy, người dân trong xã e ngại tái đàn.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên khi phát hiện heo chết bất thường, người dân đã chủ động báo cho chính quyền địa phương. Xã đã cử lực lượng dân quân cùng với các hộ dân tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo mắc bệnh theo đúng quy định; đồng thời, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, rải vôi bột toàn bộ khu vực chăn nuôi, thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh của xã về tình hình dịch tả heo châu Phi để người dân nắm bắt và triển khai các biện pháp phòng-chống.

Tại xã Chư Răng, dù hiện nay chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi nhưng chính quyền địa phương đã chỉ đạo các thôn, làng cùng cán bộ thú y của xã thống kê, rà soát toàn bộ số hộ chăn nuôi và tổng đàn heo trên địa bàn.

Bà Lê Thị Hiền-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Răng-cho hay: Dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, hiện chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu. Vì vậy, xã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi; thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, định kỳ vệ sinh khử khuẩn chuồng trại để diệt mầm bệnh; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, quán ăn; lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng. Nếu phát hiện đàn vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh phải báo ngay với cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn xử lý.

Mặc dù đã chuyển hướng sang nuôi heo rừng lai nhưng đàn heo của gia đình ông Trịnh Xuân Cường (thôn 1, xã Kim Tân) vẫn không thể chống chịu với dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Vũ Chi

Mặc dù đã chuyển hướng sang nuôi heo rừng lai nhưng đàn heo của gia đình ông Trịnh Xuân Cường (thôn 1, xã Kim Tân) vẫn không thể chống chịu với dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Vũ Chi

Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Nguyên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa-thông tin: Nhờ phát hiện khoanh vùng kịp thời, ngoài 2 ổ dịch xuất hiện tại thôn 1 (xã Kim Tân), đến nay, trên địa bàn huyện chưa phát sinh thêm ổ dịch.

Ngay khi xuất hiện dịch tại xã Kim Tân, Trung tâm yêu cầu UBND xã cử cán bộ thú y thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, giám sát hộ chăn nuôi có heo nhiễm bệnh phun hóa chất tiêu độc khử trùng 1 lần/ngày trong 7 ngày đầu tiên và 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo; cắm biển báo ổ dịch, nghiêm cấm người ra vào địa bàn có ổ dịch để tránh lây lan; khuyến cáo người dân trên địa bàn xã ngừng tái đàn. Đối với những hộ đang chăn nuôi, khuyến cáo bà con bán heo khi đến thời gian xuất chuồng.

Đối với các địa phương còn lại trong huyện, Trung tâm chỉ đạo rà soát, nắm rõ tình hình chăn nuôi heo để chủ động phòng-chống dịch; tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định; chăm sóc, nuôi dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho đàn heo; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ để giảm thiểu mầm bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền người dân thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt xác heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Có thể bạn quan tâm