Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Ia Pa: Kiên quyết giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tỉnh lộ 662 qua huyện Ia Pa là tuyến đường giao thông huyết mạch không chỉ của huyện mà còn của vùng phía Đông với Đông Nam tỉnh. Đây cũng là đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao bởi thực trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn còn tồn tại.
 
Một trong những “điểm đen” của tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên tỉnh lộ 662 là đoạn qua xã Ia Ma Rơn, cụ thể là tại khu vực chợ Ia Ma Rơn. Dù đã có quy hoạch chợ nhưng nhiều hộ vẫn tiến hành buôn bán, họp chợ ở lề đường. Các hộ tiểu thương có cơ sở kinh doanh cố định cũng lấn chiếm, bày bán hàng hóa ra sát mặt đường. Điều này khiến mặt đường chính để các phương tiện lưu thông bị thu hẹp. Đại úy Lê Hồng Tiến-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông huyện Ia Pa cho hay, đây là đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao khi mật độ, lưu lượng giao thông lớn, đặc biệt trong mùa thu hoạch nông sản.

 

Tỉnh lộ 662 đoạn qua xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) bị bó hẹp do người dân lấn chiếm. Ảnh: Văn Ngọc
Tỉnh lộ 662 đoạn qua xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) bị bó hẹp do người dân lấn chiếm. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Văn Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn cho biết, các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp như tuyên truyền, tháo dỡ... song tình trạng người dân lấn chiếm hành lang đường bộ, thậm chí cả lòng đường để làm nơi buôn bán, họp chợ vẫn diễn ra phổ biến. Theo thống kê, toàn xã có tới 167 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.  

Đầu tháng 3 vừa qua, UBND xã đã phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng tiến hành phóng tuyến đo đạc, lập biên bản và vận động các hộ tự tháo dỡ các phần đã lấn chiếm ra lề đường của tỉnh lộ 662 cũng như đoạn đường liên xã đi Ia Yeng, huyện Phú Thiện. Cơ bản các hộ dân đã chấp hành nhưng vẫn có một số hộ dân chưa tiến hành tháo dỡ. Đến nay, xã Ia Ma Rơn đã có 62 hộ vi phạm hành lang tuyến tự giác tháo dỡ. Ủy ban nhân dân xã đã gửi văn bản đến 105 hộ còn lại, nếu hộ nào cương quyết không tháo dỡ thì xã sẽ đề nghị huyện, Phòng Kinh tế Hạ tầng thành lập đoàn cưỡng chế để xử lý triệt để.

Không chỉ lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ để làm nơi buôn bán, họp chợ, trên nhiều đoạn đường đi qua các xã  Kim Tân, Chư Răng, Pờ Tó… nhiều hộ dân còn biến đường thành “sân phơi” thóc, lúa, nông sản hoặc trở thành bãi tập kết máy móc, nguyên-vật liệu xây dựng. Ông Lữ Phúc Phong-Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng, Phó ban Thường trực Ban An toàn Giao thông huyện Ia Pa thừa nhận, mặc dù công tác quản lý bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ được lực lượng chức năng thực hiện với nhiều biện pháp, song tình trạng lấn chiếm vẫn chưa được cải thiện, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung. Cũng theo ông Phong, để xảy ra tình trạng trên phần lớn là do tâm lý muốn “cận lộ” để làm ăn, buôn bán đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Do đó, khi lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý thì họ chấp hành, nhưng sau khi lực lượng chức năng đi khỏi thì “mèo lại hoàn mèo”, tình trạng vi phạm đâu lại vào đó.

Năm 2008, UBND huyện cũng đã ra quân giải tỏa hành lang tuyến an toàn giao thông đường bộ trên tỉnh lộ 662 nhưng sau đó công tác quản lý bị bỏ lỏng nên tình trạng này lại tái diễn. “Sau đợt giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ lần này, chúng tôi sẽ bàn giao lại hiện trạng giải tỏa lại cho UBND xã để họ có trách nhiệm quản lý và duy trì, bảo vệ. Với những hộ chưa chịu tiến hành tháo dỡ các công trình vi phạm, Phòng đã tham mưu với UBND huyện ra quyết định thành lập đoàn cưỡng chế gồm Công an, dân quân xã, lãnh đạo UBND xã… để xử lý dứt điểm trong tháng 4 này”-ông Phong cho biết.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm