(GLO)- Trước tình trạng “tín dụng đen” vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các hộ nghèo, đặc biệt là hộ dân tộc thiểu số, UBND huyện Ia Pa đã có những biện pháp quyết liệt nhằm xử lý triệt để tình trạng này.
Diễn biến phức tạp
Như Báo Gia Lai đã phản ánh, Ia Pa là một trong những địa phương tồn tại tình trạng “tín dụng đen” gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thiếu vốn sản xuất, nhiều hộ dân đã phải đi vay tiền nợ lãi trong một thời gian dài dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Lãi mẹ đẻ lãi con, bị chèn ép giá nông sản, người dân hàng năm phải “còng lưng” trả nợ nên không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo. Không ít hộ dân buộc phải bán đất, bán nhà cho các chủ nợ khiến cuộc sống rơi vào cảnh túng quẫn. Theo số liệu tính đến năm 2016, số tiền gốc và lãi mà các hộ dân trên địa bàn huyện nợ “tín dụng đen” là hơn 76 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo rà soát mới nhất của Công an huyện Ia Pa, trên địa bàn huyện có 50 đối tượng chuyên làm nghề cho vay. Công an huyện đã tiến hành làm việc với 15 trường hợp. Các đối tượng cho vay cho biết, người dân tự tìm đến và đề nghị cho vay tiền, phân bón, giống cây trồng với lãi suất từ 2% đến 5%. Đến cuối vụ người dân sẽ trả lãi bằng nông sản hoặc tiền mặt.
Cũng theo Công an huyện Ia Pa, có 15 đối tượng cho vay bằng tiền và hàng tháng thu lãi suất bằng tiền mặt; 15 đối tượng cho vay bằng tiền mặt cuối vụ lấy lãi suất bằng tiền mặt hoặc lấy hàng hóa nông sản; 10 đối tượng cho vay bằng hàng hóa, phân bón, giống cây trồng, cuối mùa sẽ thu lãi bằng tiền mặt hoặc hàng hóa nông sản. Có 6 hộ dân vay nợ hơn 100 triệu đồng khó có khả năng trả nợ, gồm 5 hộ ở xã Chư Mố và 1 hộ ở xã Ia Kdăm. Đáng nói, giữa chủ nợ và các hộ cho vay đều không làm hợp đồng vay mượn. Hầu hết bên vay đều ghi giấy vay tiền nhưng không ghi tỷ lệ lãi suất thực tế, phần lãi suất hàng tháng giữa 2 bên chỉ được thỏa thuận bằng miệng. Các hộ vay tiền, hàng hóa đều tự nguyện tìm đến các chủ nợ và không hợp tác với cơ quan Công an, việc cho vay cũng không có người làm chứng, không có giấy tờ chứng minh nên không có căn cứ để xử lý người cho vay.
Cần giải quyết dứt điểm
Trước tình hình này, UBND huyện Ia Pa vừa tổ chức cuộc họp để rà soát, xử lý tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn huyện. Kết luận tại cuộc họp này, ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch UBND huyện, đã yêu cầu các ban ngành, đoàn thể huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin sâu rộng đến nhân dân về phương thức, thủ đoạn, hành vi lừa đảo, cho vay nặng lãi và các hành vi trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác để người dân cảnh giác; không để các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để cho vay với lãi suất cao. Đồng thời, vận động người dân tiết kiệm trong chi tiêu, nâng cao năng lực tính toán trong việc sử dụng vốn vay cho sản xuất một cách hiệu quả, đúng mục đích.
Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cũng yêu cầu Phòng Dân tộc huyện, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, UBND các xã thống kê cụ thể số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo có vay tiền “tín dụng đen” và các dự án khác. Bên cạnh đó, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận với vốn vay Nhà nước; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tuyệt đối không được ký xác nhận các trường hợp sang nhượng, mua bán đất để cấn nợ, trừ nợ.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Công an thị xã Ayun Pa gọi hỏi, răn đe các đối tượng cư trú trên địa bàn thị xã Ayun Pa có cho các hộ dân tại Ia Pa vay tiền. Vận động người dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác hoạt động “tín dụng đen”, nhất là thị trường cho vay nặng lãi, các hiện tượng huy động vốn với số lượng lớn. Tiến hành điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, dấu hiệu của việc cho vay nặng lãi để đưa ra khởi tố. Ngoài ra, Công an huyện cũng cần phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể giải quyết, xử lý, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, không để xảy ra các vụ vỡ nợ…
Lê Văn Ngọc