Pháp luật

Ia Pa nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước thực trạng “tín dụng đen” diễn biến phức tạp trên địa bàn gây nhiều hệ lụy đến đời sống người dân, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Từ đầu năm đến nay, xã Ia Ma Rơn có 2 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự gồm Phạm Hoài Nhân (buôn Ma Rin 2) và Doãn Thị Lép (thôn Đoàn Kết). Theo kết quả điều tra, từ tháng 9 đến tháng 12-2021, thông qua việc cho vay để đáo hạn ngân hàng, Nhân đã cho chị H.T.T. (xã Pờ Tó) vay 31 lần với tổng số tiền 16 tỷ đồng. Với lãi suất 8,4-9%/tháng, trừ các khoản lãi hợp pháp, Nhân thu lợi bất chính trên 300 triệu đồng.

Còn với Lép, từ tháng 7-2022 đến tháng 3-2023, đối tượng đã cho chị Đ.T.N.B. (buôn Ma Rin 3, xã Ia Ma Rơn) vay 2 lần với số tiền 33 triệu đồng, lãi suất 30%/tháng, thu lợi bất chính hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra, Lép còn cho một số người dân khác vay với lãi suất tương tự, thu lợi bất chính trên 700 triệu đồng.

Cán bộ Công an huyện Ia Pa làm việc với đối tượng Doãn Thị Lép (Ảnh đơn vị cung cấp).

Cán bộ Công an huyện Ia Pa làm việc với đối tượng Doãn Thị Lép (Ảnh đơn vị cung cấp).

Những vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nạn “tín dụng đen”, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Vương Thị Thảo-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Ma Rơn-cho biết: Hiện nay, một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, trang trải cuộc sống. Do khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng nên họ chấp nhận vay tiền của các cá nhân khác với lãi suất cao. Lợi thế của hình thức vay này là thủ tục nhanh gọn, không cần cầm cố tài sản. Nhưng vì lãi quá cao, nhiều trường hợp không có điều kiện trả nợ dẫn đến lãi mẹ đẻ lãi con, mất khả năng thanh toán, bị chủ nợ đe dọa, cưỡng đoạt tài sản để gán nợ.

“Để ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen”, Hội LHPN xã thường xuyên phối hợp với cán bộ tư pháp, Công an xã tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên. Hội cũng đã thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” và mô hình “Nuôi heo đất” gồm 60 thành viên là những hội viên tiên phong, gương mẫu đi đầu tại các thôn, làng. Đây là lực lượng nòng cốt cùng Ban Chấp hành Hội vận động chị em biết chi tiêu tiết kiệm, nói không với “tín dụng đen”-bà Thảo cho hay.

Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Lan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Pa, giải pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn nạn “tín dụng đen” là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ, những “tay hòm chìa khóa” trong các gia đình. Bên cạnh đó, hướng dẫn chị em biết tiết kiệm trong chi tiêu, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Tháng 3-2023, Hội LHPN huyện đã tổ chức diễn đàn “tín dụng an toàn” với sự tham gia của gần 100 hội viên phụ nữ. Tham dự có đại diện Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện. Tại diễn đàn, chị em được cung cấp thông tin về những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, họ… tại địa phương. Đồng thời, đại diện các ngân hàng kết hợp phổ biến các văn bản về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản vay ưu đãi đến hội viên phụ nữ.

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa tổ chức diễn đàn Tín dụng an toàn cho gần 100 hội viên phụ nữ. Ảnh: Vũ Chi

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa tổ chức diễn đàn Tín dụng an toàn cho gần 100 hội viên phụ nữ. Ảnh: Vũ Chi

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân trên 13 tỷ đồng cho 326 hộ vay, nâng tổng dư nợ lên trên 125 tỷ đồng; phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh giải ngân 418 triệu đồng cho 25 chị vay phát triển sản xuất, duy trì hoạt động 4 Câu lạc bộ “Hội viên dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”.

Song song với công tác tuyên truyền, việc điều tra, triệt phá đường dây “tín dụng đen” được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Ia Pa phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh đấu tranh làm rõ, khởi tố 2 vụ 2 bị can về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, 1 vụ 1 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 1 vụ 1 bị can về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo Thiếu tá Lê Nguyễn Duy Tuân-Phó Trưởng Công an huyện Ia Pa, việc triệt phá, bắt giữ và xử lý các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” gặp nhiều khó khăn do các đối tượng hoạt động độc lập, chủ yếu cho những người quen biết vay, chỉ có người cho vay và người vay biết nội dung vay mượn tiền, không dán tờ rơi nên khó phát hiện, xử lý.

“Thông qua các buổi tuyên truyền, chúng tôi khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, khi cần nguồn vốn làm ăn nên liên hệ các ngân hàng, tổ chức tài chính được Nhà nước cấp phép để được hướng dẫn và hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi với lãi suất phù hợp. Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không nên vay tiền qua app hoạt động trái phép để tránh bị lộ, lọt thông tin, hình ảnh cá nhân. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng cần báo ngay đến cơ quan Công an”-Phó Trưởng Công an huyện nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm