Kinh tế

Ia Pa: Phấn đấu thoát nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2011 đến nay, huyện Ia Pa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp người dân trên địa bàn thoát nghèo, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể qua từng năm, từ 51,15% năm 2011 đến đầu năm 2015 tỷ lệ nghèo toàn huyện chỉ còn 34,55% (bình quân mỗi năm trên 4%); đời sống người dân không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Ông Nguyễn Thanh Lân-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ia Pa cho biết: Ia Pa là một trong những huyện nghèo của tỉnh, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm cao (trên 72% dân số), công tác xóa đói giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện nên công tác xóa đói giảm nghèo của huyện Ia Pa nhiệm kỳ qua đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều giải pháp cụ thể đã được huyện tập trung thực hiện có hiệu quả.

 

Ảnh: Q.T
Ảnh: Q.T

Theo đó, để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, việc nâng cao nhận thức cũng như trình độ của người dân được huyện tập trung chỉ đạo thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có 1.390 học viên (trong đó, có 1.092 học viên là dân tộc thiểu số) được đào tạo; các chương trình, dự án của trung ương, của tỉnh đã tổ chức đào tạo tập huấn cho 5.721 người với các nghề chủ yếu như: thú ý, trồng trọt, hàn tiện, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng.

Ngoài chú trọng công tác dạy nghề cho người dân, hàng năm, từ các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, huyện đã triển khai nhiều mô hình trình diễn, dự án giúp người dân phát triển sản xuất như: mô hình lai-cải tạo đàn bò, nuôi dê Bách Thảo, mô hình trình diễn trên cây lúa nước, mì cao sản, cây mía...; dự án tam nông (IPAD) tài trợ gần 17 tỷ đồng triển khai trên địa bàn 6 xã: Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul, Kim Tân, Chư Răng và Pờ Tó; Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên do Ngân hàng Thế giới tài trợ trên 10,5 tỷ đồng triển khai tại 5 xã: Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul, Ia Broăi và Ia Ma Rơn; Chương trình 135 giai đoạn II là 48,7 tỷ đồng đã hỗ trợ cho nhân dân 495 con bò, 380 con dê, 7,5 tấn lúa giống, 99 máy xới; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định 102 và 168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khoảng 22,7 tỷ đồng cấp phát 1.249 tấn muối iốt, 18 tấn giống bắp lai, 41 tấn lúa nước, 629 tấn phân bón, 1.075 con bò; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gần 36 tỷ đồng... Các mô hình, chương trình, dự án đã và đang mang lại hiệu quả cao, giúp người nghèo thay đổi phương thức làm ăn, nâng cao năng suất lao động, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập của người dân.

Khi mô hình giảm nghèo được triển khai trên địa bàn, với cách làm “cầm tay chỉ việc”, nhiều hộ nghèo được hướng dẫn cách làm ăn nên thu nhập của những hộ nghèo này đã tăng lên đáng kể. Hộ nghèo Ksor Minh (làng Ama Đá, xã Chư Mố) là một điển hình như thế. Từ một hộ nghèo, năm 2012 hai vợ chồng anh đã tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi để thuê 1,5 ha đất trồng mì. Nhờ chịu khó và được cán bộ hướng dẫn và huyện hỗ trợ giống mì cao sản, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình anh gần 50 triệu đồng.

 

Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên do Ngân hàng Thế giới tài trợ trên 10,5 tỷ đồng triển khai tại 5 xã: Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul, Ia Broăi và Ia Ma Rơn; Chương trình 135 giai đoạn II là 48,7 tỷ đồng đã hỗ trợ cho nhân dân 495 con bò, 380 con dê, 7,5 tấn lúa giống, 99 máy xới; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định 102 và 168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khoảng 22,7 tỷ đồng cấp phát 1.249 tấn muối iốt, 18 tấn giống bắp lai, 41 tấn lúa nước, 629 tấn phân bón, 1.075 con bò; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gần 36 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn lồng ghép của các chương trình, dự án, huyện đã không ngừng đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhờ đó, đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo, từng bước giảm dần tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn của huyện.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, với mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo, đến năm 2020 chỉ còn 10% hộ nghèo theo chuẩn nghèo hiện tại. Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, ưu tiên đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhằm thực hiện đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo. Tổ chức huy động các nguồn vốn để thực hiện các dự án, chương trình giảm nghèo. Kết hợp các nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hộ nghèo. Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng đặc biệt khó khăn. Hy vọng, từ những việc làm thiết thực trên, mỗi năm huyện Ia Pa sẽ có nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm