Kinh tế

Tài chính

Ia Pa phát huy hiệu quả các tổ tiết kiệm và vay vốn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã phát huy tốt vai trò “cầu nối” để Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) hỗ trợ các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, đồng thời cùng giám sát để giúp việc sử dụng vốn vay hiệu quả.

Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Bi Giông (xã Pờ Tó) gồm có 60 hộ vay với dư nợ 2,3 tỷ đồng. Mỗi tháng, tổ duy trì sinh hoạt 1 lần để triển khai các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH tới các tổ viên. Cùng với đó, Ban quản lý nắm chắc tình hình, điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ trong tổ để khi có nguồn vốn sẽ họp bình xét cho vay. Thông qua các buổi sinh hoạt, bình xét, tổ cùng chính quyền địa phương biểu dương những mô hình hay, hiệu quả để bà con học hỏi, áp dụng vào hoàn cảnh thực tế của gia đình.

Ông Đinh Han-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Bi Giông-cho biết: “Tổ có dư nợ cao nhất xã. Chúng tôi luôn hỗ trợ các hộ khó khăn được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống tổ viên ngày càng được nâng cao, không có trường hợp nợ xấu”.

Ông Han dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, trong đó có gia đình ông Đinh Đơnh. Năm 2023, được Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ làm hồ sơ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho hộ mới thoát nghèo của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, ông Đơnh mua 3 con bò sinh sản. Sau hơn 1 năm, đàn bò đã đẻ thêm được 2 con bê.

“Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc đàn bò thật tốt để nhanh chóng tăng đàn, phát triển kinh tế gia đình”-ông Đơnh bộc bạch.

Gia đình ông Đinh Đơnh (bìa trái, thôn Bi Giông, xã Pờ Tó) phấn khởi vì sau hơn 1 năm vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư chăm sóc, đàn bò đã tăng lên 5 con. Ảnh: Vũ Chi

Gia đình ông Đinh Đơnh (bìa trái, thôn Bi Giông, xã Pờ Tó) phấn khởi vì sau hơn 1 năm vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư chăm sóc, đàn bò đã tăng lên 5 con. Ảnh: Vũ Chi

Cũng thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, năm 2021, gia đình bà Nay H’Loen (làng Plơi Apa Ơi H’Trông, xã Chư Mố) được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để mua 3 con bò sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, đàn bò đã tăng lên 6 con. Tháng 12-2022, bà tiếp tục vay thêm 40 triệu đồng để làm nhà ở. Cuối năm 2023, gia đình bà đã thoát nghèo.

Bà cho hay: “Tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, tôi được hướng dẫn các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với điều kiện gia đình và được giải ngân nhanh chóng. Bên cạnh đó, chị em trong tổ thường xuyên thăm hỏi, động viên, hướng dẫn cách thức chăm sóc đàn vật nuôi và tăng gia sản xuất. Gia đình dự định sẽ bán bớt bê con để mua thêm đất trồng mì nhằm tăng thu nhập”.

Bà Rah Lan H’Duy-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Plơi Apa Ơi H’Trông-cho biết: Tổ có 55 hộ vay với dư nợ 2 tỷ đồng. Để quản lý hiệu quả nguồn vốn, tổ xây dựng quy ước hoạt động. Việc bình xét hộ vay được thực hiện công khai, minh bạch. Sau khi giải ngân nguồn vốn, tổ giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Từ đó, tổ viên có ý thức trách nhiệm trong sử dụng vốn, trả lãi và gốc đúng hạn.

Theo thống kê, đến ngày 30-6-2024, tổng dư nợ tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa đạt gần 413 tỷ đồng với 168 tổ tiết kiệm và vay vốn, phủ khắp 51/51 thôn, làng. Dư nợ bình quân mỗi tổ khoảng 2,5 tỷ đồng. Các tổ tiết kiệm và vay vốn đã trở thành đầu mối, kênh dẫn vốn xuống cơ sở phục vụ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách một cách tiện lợi nhất; đồng thời, giúp các hộ sử dụng vốn hiệu quả, góp phần xóa bỏ “tín dụng đen” ở nông thôn.

Thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Tông Sê (xã Ia Trốk) phối hợp kiểm tra việc sử dụng vốn vay của tổ viên. Ảnh: V.C

Thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Tông Sê (xã Ia Trốk) phối hợp kiểm tra việc sử dụng vốn vay của tổ viên. Ảnh: V.C

Để nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý, kiểm tra, giám sát cho đội ngũ tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, đánh giá, xếp loại để có kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ; phân công cán bộ tín dụng xuống địa bàn dự các buổi sinh hoạt của tổ để kịp thời truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện chính sách cho người nghèo, các đối tượng chính sách và giải đáp vướng mắc của tổ viên.

Thời gian tới, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH; nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay đối với tổ chức hội, đoàn thể cấp xã; tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tham gia quản lý vốn tín dụng chính sách; xây dựng mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động kiểu mẫu. Thông qua đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm