Chính trị

Ia Pa phát huy vai trò người uy tín

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, đội ngũ người có uy tín ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc và giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, là tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống.

Già làng Nay Hen (buôn Jứ, xã Ia Broắi) cho hay: Được người dân tín nhiệm bầu làm già làng, ông phối hợp cùng hệ thống chính trị cơ sở thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, ông còn vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

“Để bà con tin tưởng thì bản thân tôi và gia đình phải gương mẫu. Cách đây hơn 15 năm, gia đình tôi chuyển đổi gần 3 ha đất trồng bắp, mì sang trồng thuốc lá. Loại cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây nên năng suất bình quân khoảng 3 tấn/ha, giá bán ổn định ở mức 50-60 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình lãi hơn 100 triệu đồng/ha.

Thấy mô hình hiệu quả, người dân làm theo và tôi hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đối với những hộ khó khăn về vốn, tôi cho mượn tiền không tính lãi”-ông Hen chia sẻ.

gia-lang-nay-hen-bia-trai-nguoi-uy-tin-buon-ju-xa-ia-broai-huong-dan-nguoi-dan-chuan-bi-cay-giong-thuoc-la-cho-mua-vu-moi.jpg
Già làng Nay Hen (bìa trái, buôn Jứ, xã Ia Broắi) hướng dẫn người dân chuẩn bị cây giống thuốc lá. Ảnh: L.N

Từ mô hình của gia đình ông Hen, đến nay, buôn Jứ có hơn 50% hộ đã chuyển đổi sang trồng cây thuốc lá. Chị Ksor Hmơt kể: “Học tập già làng Nay Hen, gia đình tôi chuyển đổi hơn 1,5 ha đất trồng mì sang trồng thuốc lá. Hiện nay, kinh tế của gia đình đã ổn định, thu nhập từ cây thuốc lá cao hơn 3-4 lần so với trồng cây mì”.

Tương tự, gần 15 năm nay, ông Ksor Mlaih-Trưởng thôn Ama Rin 2 (xã Ia Mrơn) cũng được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín. Ông cho biết: “Buôn có 352 hộ, trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi vận động người dân tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường giao thông.

Cùng với đó, tôi vận động người dân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, làm nhà vệ sinh, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở để đảm bảo vệ sinh môi trường; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Năm 2024, buôn có 8 hộ thoát nghèo. Hiện còn 14 hộ nghèo (chiếm 3,97%) và 16 hộ cận nghèo (chiếm 4,54%)”.

ong-ksor-mlaih-truong-thon-ama-rin-2-xa-ia-mron-tuyen-truyen-nguoi-dan-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-de-phat-trien-kinh-te-gia-dinh.jpg
Ông Ksor Mlaih-Trưởng thôn Ama Rin 2 (xã Ia Mrơn) tuyên truyền người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: L.N

Ông Lương Văn Hiếu-quyền Chủ tịch UBND xã Ia Mrơn-thông tin: Thời gian qua, đội ngũ người uy tín trên địa bàn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Sự đóng góp của họ đã loại bỏ dần các tập tục lạc hậu như ma chay tốn kém dài ngày, xây dựng đời sống theo hướng văn minh, tiến bộ.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Hiệp-Trưởng phòng Dân tộc huyện-khẳng định: Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện đã tích cực phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể ở khu dân cư tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Đặc biệt, người có uy tín đã cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, từng bước loại bỏ các tập tục lạc hậu; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Có thể bạn quan tâm