Xã hội

Ia Pếch, ngày trở lại...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hồi trước, muốn về xã B7 (xã Ia Pếch), từ trung tâm huyện Chư Păh (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai ngày nay), nếu đi ô tô thì phải về Pleiku, vòng ra Hàm Rồng, đến làng Ia Rốc, để ô tô ở đó rồi lội bộ vào xã. Nhưng bây giờ thì khác, đường ô tô chạy đến tất cả các làng của xã Ia Pếch.

Trong kháng chiến chống Mỹ, bà con các làng ở B7 đã nuôi giấu cán bộ, làm cơ sở hợp pháp nắm và báo cáo tình hình địch cho cán bộ. Nhiều đảng viên đã bám sát Nhân dân theo vào các ấp chiến lược khi chúng dồn dân lập ấp để “tát nước bắt cá”. Có những đảng viên, du kích đã anh dũng chiến đấu, nhiều thanh niên nam nữ thoát ly tham gia cách mạng.

Hồi còn công tác, khoảng năm 1984, có một lần, tôi tháp tùng Bí thư Huyện ủy Hoàng Lê về Ia Pếch vận động bà con làm lúa Đông Xuân trên cánh đồng Ia Rốc. Chúng tôi đi bộ từ huyện, mất trọn cả buổi sáng mới đến được một số làng. Tất nhiên, chúng tôi ngủ lại làng Ia Rốc. Trưởng thôn khi ấy là ông Nguyễn Liên. Ông Liên đưa chúng tôi đến thăm bà con dân làng.

Ia Rốc khi ấy cũng chỉ hơn vài chục hộ, chủ yếu bà con nội thị xã Pleiku ra định cư, làm vườn. Tuy bấy giờ chưa có chuyện “trồng cây gì, nuôi con gì”, nhưng với ý thức “tự lực cánh sinh” cao, bà con đã khai khẩn đất hoang trồng khoai, bắp, lúa. Tuy năng suất không cao nhưng các loại rau củ quả cũng đủ tự cung tự cấp.

Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi ở làng De Chí, xã Ia Pếch. Ảnh: Đoàn Minh Phụng

Dù là người đã từng có thời gian công tác ở Ia Grai và cũng đã nhiều lần đến Ia Pếch, nhưng mới đây, khi đi tổ chức Tết Trung thu cho các cháu ở làng De Chí, tôi bị lạc đường. Lại nhớ cách đây hơn chục năm, anh Phạm Đình Thu, khi đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nói tôi đi cùng anh về Ia Pếch một chuyến.

Trên xe, anh thử khả năng nhớ đường của tôi. Tôi đành chịu thua. Anh Thu đưa tôi đi lòng vòng khắp xã thăm bà con dân làng và các anh chị cán bộ nghỉ hưu, gia đình chính sách... rồi thẳng về Pleiku, không quay lại thị trấn Ia Kha như khi đi nữa.

Hôm tôi trở lại Ia Pếch để tổ chức Tết Trung thu cho các cháu ở làng De Chí, lúc đầu, nhóm thiện nguyện 50K TP. Pleiku phối hợp với Huyện Đoàn, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai dự kiến tổ chức một đêm trăng rằm thật to để thỏa lòng mong đợi của các cháu thiếu niên, nhi đồng ở làng.

Thế nhưng, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, chúng tôi quyết định không tổ chức “Tết Trung thu to” như đã chuẩn bị từ đầu. Tuy vậy, các cháu ở làng De Chí hôm đó cũng có một đêm trăng rằm vui vẻ, ý nghĩa. Các bạn trẻ của huyện, xã đã giúp nhóm thiện nguyện 50K tổ chức một chương trình Trung thu vui tươi, lành mạnh, có bánh, có kẹo, có bóng bay, đèn ông sao, lại thêm ít quà là sách vở, dép mới cho các cháu đến trường.

De Chí là làng xa nhất tính từ trung tâm xã Ia Pếch. Làng có 207 hộ với 998 khẩu. Bà con Jrai, Kinh, Bahnar ở đây vốn có truyền thống chăm chỉ làm lụng, đoàn kết xây dựng quê hương. De Chí đã trở thành làng văn hóa từ khá lâu. Trẻ em đến trường đúng độ tuổi, học hành chăm chỉ trong những ngôi trường khang trang.

Một góc trung tâm huyện Ia Grai hôm nay. Ảnh: L.N

Ia Grai vừa tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/9/1954-15/9/2024). Nhìn lại sự trưởng thành, vươn lên vượt bậc kể từ sau ngày giải phóng (1975), Ia Grai là huyện có diện tích tự nhiên khá rộng, giáp với TP. Pleiku về phía Đông và giáp với nước bạn Campuchia về phía Tây, giao thông thuận lợi, có điều kiện giao thương, hội nhập để phát triển. Qua 70 năm xây dựng và phát triển, Ia Grai đã phát huy truyền thống của địa phương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có Ia Pếch đóng góp một phần không nhỏ.

Lại nhớ lần về B7 năm ấy. Lúc này, Trưởng thôn Ia Rốc là người đồng hương với chú Hoàng Lê (Hoài Nhơn, Bình Định) nên ông có nhiều tâm sự. Đêm khuya, ông kể bao chuyện của quê hương, bao nhiêu việc khó khăn vất vả và sự cố gắng của trưởng thôn.

Tôi nhớ có một chuyện vừa mừng vừa lo, ấy là ông trưởng thôn đã vận động bà con trong thôn và đi xin các gia đình có điều kiện kinh tế khá từ trong phố đủ tiền để xây dựng một lớp học mẫu giáo, một phòng học cho lớp 1 tại đây. Xây dựng phòng học mà chẳng có thiết kế, chẳng biết quy định của ngành Giáo dục về lớp học chuẩn.

Hỏi sao làm thế, trưởng thôn trả lời đơn giản là cứ xây theo kinh nghiệm như mình làm nhà để ở. Giờ nghĩ lại, các cháu nhỏ ở xã Ia Pếch nói riêng, cả huyện Ia Grai nói chung đa số đã được học trong các trường lớp học chuẩn, được vui chơi trong khuôn viên nhà trường có cây xanh bóng mát, đảm bảo an ninh học đường mà vui mừng khôn tả.

Hết buổi Trung thu ở làng De Chí, chúng tôi chia tay Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Rơ Mah Ngo và bà con dân làng, chia tay các cháu nhỏ trong không khí vui tươi, đầm ấm và hẹn tới mùa Trung thu sau.

ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm