(GLO)- Nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, đến nay, xã Ia Rong (huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 9,9%, tương đương với 140 hộ.
Gia đình chị Rơmah H'Thuy (thôn Bê Tel) trước đây thuộc diện nghèo của xã Ia Rong. Đất sản xuất ít nên gia đình chị luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Khi căn nhà xuống cấp, gia đình chị loay hoay mãi cũng không có tiền sửa chữa. Trước hoàn cảnh của gia đình chị, xã Ia Rong đã hỗ trợ chị 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của huyện để xây lại căn nhà. Ngoài ra, xã còn hỗ trợ gia đình chị 2 con dê theo Chương trình 135 và hướng dẫn cách chăm sóc để đạt hiệu quả. “Được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà, cấp con giống làm vốn chăn nuôi, cuộc sống của gia đình mình dần ổn định. Hiện gia đình mình đã thoát nghèo. Mình sẽ cố gắng chăm sóc đàn dê thật tốt để phát triển kinh tế gia đình”-chị H'Thuy vui vẻ cho hay.
Chị Siu H'Liêu chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: H.T |
Chị Siu H'Liêu (cùng thôn) cũng rất phấn khởi vì được xã Ia Rong hỗ trợ 1 con bò giống từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của huyện. Ngoài ra, chị còn được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội và được các hội, đoàn thể của xã thường xuyên quan tâm, hướng dẫn cách thức sản xuất, chăn nuôi nên đã thoát nghèo. Theo chia sẻ của chị H'Liêu, trước đây, cuộc sống của 4 người trong gia đình chị chỉ trông vào 2 sào lúa nước và 2 con bò nên cái nghèo luôn đeo bám. Từ khi được hỗ trợ thêm bò giống, kinh tế của gia đình chị dần cải thiện. “Với gia đình tôi, con bò giống là tài sản lớn. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt để tăng đàn, làm vốn chăn nuôi lâu dài”.
Ngoài chị H'Thuy và chị H'Liêu, thời gian qua, xã Ia Rong đã tập trung hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Rơmah Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rong-cho biết: Ia Rong là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pưh với trên 67% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, trình độ sản xuất của hầu hết người dân còn thấp nên đời sống khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Để giúp người dân thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với điều kiện địa phương và tập quán canh tác của bà con. Trong đó, xã tập trung vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để nâng cao trình độ sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, xã cũng đã tận dụng các nguồn hỗ trợ từ Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ người dân về cây-con giống. Riêng năm 2018, xã đã hỗ trợ 13 cặp dê giống, 2 con bò giống và gần 22,2 tấn phân bón cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, 845 hộ khác cũng được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn chính sách để phát triển sản xuất. Xã cũng cử cán bộ nông nghiệp và cán bộ các hội, đoàn thể thường xuyên nắm hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của người dân để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ về kỹ thuật, ngày công lao động. Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giảm nghèo nên đến cuối năm 2018, toàn xã có 78 hộ thoát nghèo. Hiện xã còn 140 hộ nghèo, chiếm 9,9%.
Cũng theo ông Thanh, xã Ia Rong có lợi thế về diện tích đất sản xuất. Hiện nay, người dân đã canh tác được hơn 1.033 ha cây trồng, chủ yếu là hồ tiêu, cà phê, lúa, mì, cây ăn quả. Tuy nhiên, một bộ phận người nghèo vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo. Do đó, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân thay đổi phương thức sản xuất, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, xã cũng sẽ tập trung kêu gọi sự chung tay đóng góp từ các tổ chức, nhà hảo tâm để giúp đỡ 37 hộ có nhà dột nát còn lại trên địa bàn xây mới, sửa chữa nhà. “Đặc biệt, xã sẽ phân công và chỉ đạo cán bộ phụ trách thôn, làng thường xuyên bám địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con để tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền trong việc đầu tư, hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế”-ông Thanh cho biết thêm.
HỒNG THƯƠNG