(GLO)- Dự án di dân vùng sạt lở 4 buôn (Púh, Pan, Ktinh và Chích) thuộc xã Ia Rsai (huyện Krông Pa) được UBND tỉnh phê duyệt có 170 hộ. Hiện nay, UBND xã đang tích cực vận động 20 hộ dân còn lại trong dự án di dời đến nơi ở mới trước mùa mưa bão.
Gia đình chị Ksor H’Mly (buôn Púh) là một trong những hộ nằm trong dự án di dân vùng sạt lở của xã Ia Rsai chuyển đến khu tái định cư sớm nhất. Hơn 3 năm chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống của gia đình chị đã bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, để có điện sử dụng, từ năm ngoái, chị cùng một số hộ trong khu tái định cư mua dây đấu nối điện từ buôn cũ về dùng.
Khu tái định cư cho các hộ được di dời khỏi vùng sạt lở của xã Ia Rsai. Ảnh: N.M |
Tuy nhiên, đường dây điện này lại thiếu an toàn, nhất là vào mùa mưa. Chị H’Mly chia sẻ: “Để có điện thắp sáng, chúng tôi tự mua dây kéo điện về nhưng do dây nhỏ, lại mắc tạm ở các cọc gỗ nên hay bị sà xuống và có thể đứt bất cứ lúc nào, đặc biệt là lúc mưa to, gió lớn. Gia đình tôi rất lo lắng về đường dây điện khi mùa mưa lũ đã đến. Hiểu được nỗi lo này, xã đã chủ động cắt cử cán bộ đến hỗ trợ gia đình tôi đấu nối lại đường dây”.
Dự án di dân vùng sạt lở 4 buôn (Púh, Pan, Ktinh và Chích) thuộc xã Ia Rsai được UBND tỉnh phê duyệt có 170 hộ. Đến nay, vẫn còn khoảng 20 hộ chưa chuyển đến nơi ở mới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do nơi ở mới chưa có điện, nước và các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt thường ngày. Đây cũng là lý do khiến gần 90% số hộ đã chuyển đến khu tái định cư gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt là các đường dây điện tự kéo của bà con không đảm bảo an toàn vào mùa mưa bão. Ông Đinh Đức Tư-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rsai, kiến nghị: “Chúng tôi rất mong tỉnh và huyện quan tâm đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, đặc biệt là điện, nước, giao thông để người dân chuyển đến nơi ở mới sớm ổn định cuộc sống, nhất là khi mùa mưa đến”. Ông Tư cho biết thêm, hiện một số hộ vẫn còn nhà nằm cách sông từ 3 m đến 50 m. Xã sẽ phối hợp với các ban, ngành của huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ đến nơi ở mới vì các hộ này đã nhận đất nhưng chưa chịu chuyển đi. Nếu các hộ này không di dời đến nơi ở an toàn thì xã sẽ tiến hành cưỡng chế.
Hiện nay, xã Ia Rsai đã xây dựng các phương án phòng-chống thiên tai và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của xã. Đồng thời, tuyên truyền cho bà con nhân dân nâng cao ý thức trong việc chủ động phòng-chống thiên tai. Xã cũng đã tổ chức tập huấn hướng dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng-chống thiên tai tới tận các thôn, buôn; thực hiện rà soát phương tiện, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bên cạnh đó, xã vận động người dân chủ động các biện pháp ứng phó với thiên tai, dự trữ nguồn thực phẩm, sẵn sàng di dời ra khỏi vùng nguy hiểm khi có mưa lũ xảy ra. Những diện tích sản xuất trũng, thấp có nguy cơ ngập úng thì đề nghị huyện điều chỉnh diện tích và bố trí cây trồng phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Ngô Mạo