Xã hội

Đời sống

Kbang: Chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự, vấn đề kinh tế-xã hội và tạo điều kiện tham quan, học tập kinh nghiệm từ thực tiễn đã giúp cho đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện Kbang phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình tại cơ sở.

Huyện Kbang hiện có 74 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, làng. Thời gian qua, đội ngũ này đã trở thành cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở trong việc vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cũng như đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Do vậy, việc thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức sẽ giúp người có uy tín phát huy tốt vai trò vận động bà con tuân thủ pháp luật, thay đổi tư duy, tích cực phát triển sản xuất để giảm nghèo.

Phòng Dân tộc huyện Kbang tổ chức cho đội ngũ người có uy tín tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Phương

Ông Đinh Thai (làng Bngăl, xã Kông Lơng Khơng) được người dân tin tưởng, tín nhiệm là người có uy tín. Ngoài việc am hiểu tình hình thực tiễn tại địa phương, ông còn thường xuyên tự cập nhật thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua việc đọc báo, xem tin tức thời sự qua ti vi, nghe đài phát thanh và các bản tin về chính sách dân tộc. Hàng năm, ông cùng đội ngũ người uy tín trên địa bàn còn được Phòng Dân tộc huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin thời sự về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; các chương trình chính sách dân tộc, giảm nghèo và kỹ năng hòa giải, kỹ năng tuyên truyền, vận động...

"Từ việc thường xuyên được cập nhật, bổ sung kiến thức, tôi đã vận dụng vào thực tiễn để tuyên truyền, vận động người dân để mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, tôi luôn chủ động phối hợp với các ban, ngành của xã, thôn vận động người dân tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới”-ông Thai cho hay.

Cùng với việc tập huấn, cung cấp những kiến thức cơ bản cho người có uy tín, huyện Kbang còn tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả tại các huyện trong và ngoài tỉnh. Qua đó, tạo cơ hội để đội ngũ người có uy tín giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn trong sản xuất để về áp dụng tại địa phương.

Sau khi được đi tham quan, trao đổi và học tập kinh nghiệm, ông Đinh Đuih (thôn 1, xã Đăk Smar) đã vận dụng vào thực tế khi đã tiên phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của gia đình để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ trồng cây lúa rẫy, ông chuyển sang trồng lúa nước, trồng cao su, cà phê xen canh cây mắc ca, mỗi năm thu về gần 200 triệu đồng. Cùng với đó, ông còn tích cực vận động bà con áp dụng kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế, vươn lên để thoát nghèo.

Phòng Dân tộc huyện Kbang tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đội ngũ người có uy tín trên địa bàn. Ảnh: Minh Phương

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Huyền-Trưởng phòng Dân tộc huyện Kbang-khẳng định: Người có uy tín có vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa đồng bào các dân tộc thiểu số với các cấp chính quyền trong việc thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Bằng uy tín của mình, người uy tín đã tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới, sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo, vận động đồng bào dân tộc xóa bỏ các hủ tục, đấu tranh phòng-chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

Để đội ngũ người uy tín phát huy tốt vai trò của mình, từ năm 2021 đến nay, Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 4 lớp tập huấn cho hàng trăm lượt người có uy tín. Mặt khác, Phòng Dân tộc huyện còn tổ chức cho đội ngũ người uy tín trên địa bàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh.

“Việc tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển sản xuất đã giúp người có uy tín tiếp tục phát huy khả năng, nâng cao trình độ nhận thức, tiếp cận kịp thời các văn bản, chính sách mới để truyền tải đến người dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, nêu gương già làng, cá nhân tiêu biểu; đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế-xã hội ở địa phương để người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò trong công tác vận động, tuyên truyền nhân dân”-Trưởng phòng Dân tộc huyện Kbang nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm