Phóng sự - Ký sự

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 4: Tiệm vẽ tranh kiếng cuối cùng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bà Trần Tiên (84 tuổi) đứng trước cửa tiệm tranh kiếng Vĩnh Huê, đường Nguyễn Chí Thanh (Q.5, TP.HCM) với nụ cười viên mãn trong bức ảnh tôi chụp. Có lẽ tiệm tranh kiếng của bà là nơi cuối cùng còn có những thợ vẽ tranh kiếng thủ công ở vùng Chợ Lớn vào thế kỷ 21 này.

CHỨNG NHÂN TỪ THUỞ "THANH MAI TRÚC MÃ"

Bà Trần Tiên là người chứng kiến vòng đời của tiệm tranh kiếng Vĩnh Huê từ những ngày còn bé xíu. Nhà bà là tiệm thuốc Bắc ở sát bên tiệm tranh kiếng. Bà nhớ lại: "Ngày bé, ngọ (tôi - PV) thường thấy ba ngọ với ông chủ tiệm tranh kéo ghế ra trước hè ngồi uống trà sau khi đánh cầu lông vào sáng sớm. Ngọ lớn lên cùng lứa "thanh mai trúc mã" với con ông chủ tiệm kiếng Vĩnh Huê, là ông xã ngọ sau này. Ổng mê vẽ tranh từ bé, rồi viết thư pháp đẹp lắm. Ngọ nghĩ ổng mà không theo nghề ba là thành họa sĩ nổi danh chứ chẳng chơi".

Bà Trần Tiên, chủ tiệm tranh kiếng vẽ tay cuối cùng ở Chợ Lớn. ẢNH: L.V
Bà Trần Tiên, chủ tiệm tranh kiếng vẽ tay cuối cùng ở Chợ Lớn. ẢNH: L.V

Ông xã của bà Tiên dẫu không theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng những ai biết chơi tranh kiếng Chợ Lớn vào thời kỳ 1950 - 1975 đều biết danh ông Tôn Hà và đều gọi ông là họa sĩ. "Tranh kiếng của ông Hà được đi trưng triển lãm nhiều lần trong khu Đại Thế Giới rồi bán hết sạch. Bán xong thì ổng mang tiền làm từ thiện hết, cái tính ổng xưa nay chỉ ham vẽ", bà Tiên kể.

Ông Tôn Hà có lẽ là nghệ nhân cuối cùng vẽ tranh kiếng ở vùng Chợ Lớn, ông mất năm 2015. Nhắc đến người chồng quá cố, bà Tiên dù có chút ngậm ngùi nhưng có rất nhiều chuyện vui, tự hào: "Lỵ (cô) không biết đâu, hồi đó khách Tây qua làm phim về ổng quá trời. Rồi khách Đài Loan, Singapore, Hồng Kông qua tới Sài Gòn này đặt tranh kiếng. Tiếng Việt của ngọ không giỏi mà ổng thì nói hay lắm, cả người Hoa, người Việt đều thích tranh kiếng ổng vẽ".

Sinh thời, ông Tôn Hà là họa sĩ tranh kiếng vùng Chợ Lớn. ẢNH: L.V
Sinh thời, ông Tôn Hà là họa sĩ tranh kiếng vùng Chợ Lớn. ẢNH: L.V

Bà Tiên bảo may nhờ đây là nghề gia truyền, gia đình buôn bán bằng mặt bằng có sẵn chứ con đường Nguyễn Chí Thanh này mỗi ngày lại có tiệm mới hoặc sang tiệm vì chịu giá thuê mặt bằng không nổi. Chưa kể nhu cầu tranh kiếng thờ cúng hay trang trí tiệm, nhà cửa gia đình giờ cũng giảm hẳn. "Chỉ còn các đền chùa mà đa phần họ dùng đồ in công nghiệp cho dễ mua, giá thành rẻ. Khách của ngọ giờ chủ yếu khách quen, giới thiệu qua lại", bà Tiên bộc bạch.

Dấu ấn xưa cũ của tranh kiếng vẽ tay bây giờ vẫn còn lưu lại ở những xe hủ tíu mì Tàu khắp Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong không gian trăm năm của tiệm kiếng Vĩnh Huê, hai người thợ cuối cùng vẽ tranh kiếng vẫn miệt mài bên những tấm kiếng đang dang dở. Họ tỉ mẩn tì tay trên bàn chạm khắc những đường chỉ chạy trên kiếng. Hình dạng của ông Quan đế dần hiện lên với chòm râu dài chạm ngực.

Những thợ vẽ tranh kiếng cuối cùng. ẢNH: L.V
Những thợ vẽ tranh kiếng cuối cùng. ẢNH: L.V

Để hoàn thành một bức vẽ tranh kiếng thủ công, người thợ vẽ phải dành ít nhất một tuần đến 10 ngày hoặc có khi cả tháng - tùy theo mẫu tranh phức tạp hay đơn giản. Giá một bức tranh kiếng vẽ tay dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. So với tranh in công nghiệp thì tranh kiếng vẽ tay đắt hơn gấp mấy lần nên sức cạnh tranh cũng kém hơn và ngày càng kén khách.

MỘT THỜI TRANH KIẾNG VÙNG CHỢ LỚN

Ở tiệm tranh kiếng Vĩnh Huê bây giờ vẫn còn lại dấu tích xưa của một thời tranh kiếng phồn thịnh khu Chợ Lớn. Bà Tiên bồi hồi nhớ: "Trước năm 1975, cả con đường Nguyễn Chí Thanh này chỉ có 2 - 3 tiệm tranh kiếng. Khách vùng Chợ Lớn đặt nè, khách miền Tây lên, rồi tranh kiếng của Chợ Lớn mang đi Miên (Campuchia) bán dữ lắm. Vẽ không xuể".

Vẽ tranh trên kiếng. ẢNH: L.V
Vẽ tranh trên kiếng. ẢNH: L.V

Ba chồng bà Tiên có 5 người con thì có 2 người theo nghề tranh kiếng gia truyền. Nhưng chỉ có ông Tôn Hà, chồng bà là biết vẽ, còn bà thì lo buôn bán. Người em trai ông Hà hiện cũng có một tiệm tranh kiếng trên đường Nguyễn Chí Thanh nhưng đều nhập tranh vẽ bằng máy về bán. Chỉ còn lại tiệm bà Tiên vẫn duy trì vẽ thủ công và bán tranh in máy. Thời nào cuộc nấy, bà Tiên có vẻ nuối tiếc thuở vàng son của tiệm tranh quá vãng. "Còn giờ chủ yếu giữ nghề cho ổng thôi. May là ngọ đào tạo được hai thợ giỏi, chịu cực theo nghề. Tụi nhỏ theo ngọ rất lâu rồi. Ngọ với ổng có một cô con gái mà cũng chỉ giỏi buôn bán chứ không vẽ được", bà Tiên nói.

Các ông Lưu Văn Quảng (51 tuổi), Trần Bình Hải (41 tuổi) đã làm ở tiệm kiếng Vĩnh Huê từ thời chưa tới 20 tuổi. Ngày nào cũng vậy, họ đều tỉ mẩn ngồi chạm khắc những đường chỉ chằng chịt trên tấm kiếng phủ sơn đỏ, vàng đủ loại từ tranh thờ cúng đến khánh chúc.

Ông Lưu Văn Quảng, thợ vẽ tranh kiếng tiệm Vĩnh Huê. ẢNH: L.V
Ông Lưu Văn Quảng, thợ vẽ tranh kiếng tiệm Vĩnh Huê. ẢNH: L.V

Ngày nay còn ai đặt tranh kiếng vẽ tay? "Có chứ, người ta thích đặt theo mẫu riêng. Mỗi tấm tranh này vẽ mất vài tuần, cực lắm. Không chỉ mình phải kiên nhẫn mà khách cũng phải hiểu giùm mà đợi vậy", ông Quảng nói.

Còn ông Hải, dù vào nghề sau nhưng cũng rất có khiếu vẽ tranh kiếng: "Nhiều người làm mà không thành công. Mười mấy năm trước tiệm này có 7 - 8 người làm nhưng nghỉ lần mòn hết. Làm cái này dễ bị cận thị lắm vì mấy đường chỉ kiếng nó chạy chạy nhức mắt. Rồi ngồi lâu không chịu nổi. Phải kiên nhẫn thì mới làm được. Có điều tranh kiếng làm bằng máy thì không được chọn mẫu như ý, mau hư hơn".

Tiệm tranh kiếng Vĩnh Huê. ẢNH: L.V
Tiệm tranh kiếng Vĩnh Huê. ẢNH: L.V

Tiệm kiếng của bà Trần Tiên tên Vĩnh Huê nghĩa là điều tốt đẹp vĩnh cửu. Đó là tên tiệm, bảng hiệu thông thường mà người Hoa hay đặt cho nơi buôn bán. Trước năm 1975, khu Chợ Lớn cũng có tiệm kiếng Tân Huê có thể vẽ tranh kiếng thủ công rất lành nghề. Tân Huê chuyên về dạy nghề vì nhà nằm trong hẻm, sau này cũng không còn làm tranh kiếng nữa.

Biết là khó nhưng bà Tiên vẫn vui vẻ giữ nghề vẽ tranh kiếng thủ công như một lời hứa nặng tình với người bạn đời từ thuở thanh mai trúc mã. Bà chia sẻ: "Còn tiệm là còn thấy ổng đâu đó. Ngọ già rồi, con gái cũng không vẽ được, thợ thì chỉ còn 2 người này, chưa có thêm ai chịu học và giỏi nghề. Mai kia ra sao thì chưa biết, chỉ mong còn ngọ thì còn tiệm tranh kiếng này, sau sẽ ra sao thì tính tiếp". (còn tiếp)

Báo Thể thao và Văn hóa cuối tuần (số ra ngày 21.3.2013) có bài viết của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình về nguồn gốc tranh kiếng (kính) Nam bộ: đầu thế kỷ 20, từ người Hoa di cư, tranh kiếng đã xuất hiện và cung ứng cho nhu cầu trang trí, thờ tự của người dân vùng Nam bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn. Tranh kiếng có giá thành vừa phải nên nhanh chóng phổ biến khắp cả miền Nam, từ đình, chùa, đền, miếu đến các gia đình, tiệm ăn. Đặc biệt là các xe hủ tíu người Tiều, người Quảng Đông thường có các tranh kiếng về tích xưa như: Tề thiên đại thánh, Quan công, Cá chép hóa rồng.. . Lúc đầu, các tiệm kiếng ở Chợ Lớn chỉ buôn bán các loại kiếng soi mặt, cắt kiếng lộng khuôn hình, lắp tủ kiếng và những loại kiếng màu xanh, vàng, đỏ để gắn khung cửa chớp, cửa gió... Về sau họ còn vẽ những tấm đại tự trên kiếng thủy, chữ nhũ vàng dùng để mua tặng nhân dịp hiếu hỉ, khai trương, tân gia, đám cưới, chúc thọ... và cả những bộ tranh thư họa.

Theo Lê Vân (TNO)

Có thể bạn quan tâm