Pháp luật

Tin tức

Kbang (Gia Lai): Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Huyện Kbang là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh với tổng diện tích gần 124.000 ha, hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Rừng Kbang có tác dụng rất lớn trong phòng hộ môi trường, điều hòa khí hậu, giữ đất, giữ nước, hạn chế thiên tai, dự trữ nguồn gen phục vụ phát triển kinh tế du lịch...

Nhiều năm qua Hạt Kiểm lâm huyện Kbang đã khắc phục mọi khó khăn, chủ động phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng đứng chân trên địa bàn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn.

Gỗ trái phép bị thu giữ tại Hạt Kiểm lâm huyện Kbang. Ảnh: T.V
Gỗ trái phép bị thu giữ tại Hạt Kiểm lâm huyện Kbang. Ảnh: T.V
Mùa khô năm 2010-2011, thời tiết trên địa bàn huyện Kbang rất hanh khô dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Trước tình hình đó, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên kiểm tra các biện pháp phòng-chống cháy rừng, ứng cứu cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra, phân công cán bộ kiểm lâm trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô để theo dõi cấp dự báo cháy rừng, cập nhật thông tin về nguy cơ xảy ra cháy rừng. Với phương châm phòng là chính nên Hạt Kiểm lâm Kbang đã tham mưu cho UBND các xã, đơn vị chủ rừng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng để kịp thời ngăn chặn tình trạng đốt rẫy cũ có thể gây ra cháy rừng...


Vụ mùa vừa qua, bà con nông dân trên địa bàn huyện rất phấn khởi do được mùa mì, mùa mía. Tuy nhiên, các cán bộ Kiểm lâm lại “canh cánh” nỗi lo người dân phá rừng để mở rộng diện tích gieo trồng. Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn tham mưu cho UBND các xã, thị trấn và các chủ rừng tổ chức kiểm tra, kiểm soát các khu sản xuất nương rẫy cũ, tuyên truyền người dân về những tác hại của việc phá rừng để ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy trái phép. Nhờ đó, ý thức của người dân đã chuyển biến tích cực. Ông Đinh Lý- người dân xã Sơn Lang chia sẻ: “Trước đây bà con mình có thói quen đốt rừng làm rẫy nhưng từ ngày được cán bộ tuyên truyền, bà con đã hiểu được lợi ích của rừng. Nhiều gia đình đã hứa với cán bộ sẽ không đốt rừng làm rẫy và ngăn chặn không cho những người khác phá rừng”.

Bên cạnh đó, cán bộ Kiểm lâm huyện tiếp tục duy trì các hoạt động nắm bắt tình hình, kịp thời tổ chức truy quét lâm tặc trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra giám sát các cơ sở chế biến lâm sản, gia công hàng mộc, sử dụng gỗ trong công trình xây dựng của các cá nhân, đơn vị trên địa bàn. Đồng thời kiểm tra chặt chẽ các khâu lưu thông để kịp thời ngăn chặn những đối tượng vận chuyển, buôn lậu lâm sản và các hành vi vi phạm khác; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng điều tra, xác minh làm rõ các vụ việc vi phạm về QLBVR có tính chất nghiêm trọng để đưa ra xét xử.

Ông Nguyễn Văn Sơn-Hạt phó Hạt Kiểm lâm Kbang cho biết: “Chúng tôi luôn bắt đầu bằng việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân thông qua các hình thức như: Phát tờ rơi bằng hai thứ tiếng Kinh-Bahnar, lồng ghép các buổi họp thôn làng, kết hợp với những người có uy tín tại địa phương như già làng, trưởng thôn để vận động quần chúng nhân dân tham gia QLBVR và PCCCR... Nhờ vậy, trong mùa khô 2010-2011 không có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn và tình hình vi phạm về QLBVR cũng giảm đáng kể”.

Bên cạnh những việc đã đạt được, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang vẫn còn một số khó khăn trong công tác bảo vệ rừng tại gốc, công tác giáo dục vận động tuyên truyền pháp luật về rừng trong cán bộ, nhân dân trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế về mặt nội dung, chất lượng. Cán bộ tuyên truyền còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa thạo tiếng đồng bào địa phương. Ngoài ra, sự phối-kết hợp giữa chính quyền một số xã và chủ rừng, Ban Quản lý Rừng có nơi có lúc chưa chặt chẽ, do đó nhiều trường hợp lén lút khai thác, vận chuyển, mua bán gốc, rễ gỗ nhóm 1, gỗ xây dựng vẫn còn xảy ra. Đây là những tồn tại mà Hạt Kiểm lâm huyện Kbang rút ra để thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý bảo vệ rừng những tháng cuối năm.
Thục Vy

Có thể bạn quan tâm