Kinh tế

Kbang: Giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 156 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 2-4, UBND huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh quý 1 và triển khai nhiệm vụ công tác quý 2 năm 2024.

Quý 1 năm 2024, UBND huyện Kbang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đạt kết quả đề ra.

Theo đó, đến cuối tháng 3-2024, toàn huyện gieo trồng được 5.721 ha cây trồng các loại, đạt 100% kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh) đạt 156,4 tỷ đồng, bằng 27,2% so với kế hoạch. Thu ngân sách trên địa bàn được hơn 18,122 tỷ đồng, đạt 33,6% so với dự toán HĐND huyện giao, tăng 29% so với cùng kỳ.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồng Hạnh

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồng Hạnh

Huyện phấn đấu xây dựng các xã Kông Lơng Khơng, Lơ Ku và Đak Smar đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2024; duy trì theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đối với 7 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Lĩnh vực văn hoá, xã hội, du lịch cũng có sự phát triển đáng ghi nhận. Các chính sách an sinh xã hội đối với người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người cao tuổi được triển khai kịp thời; công tác giảm nghèo, nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện tốt; công tác giáo dục và đào tạo được triển khai đồng bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề liên quan đến cháy mía, hạn hán, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Một số dự án, nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia chưa thực hiện được do vướng mắc về cơ chế, hướng dẫn thực hiện. Tình hình trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, trong đó vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường tăng.

Trong quý 2, UBND huyện Kbang tiếp tục chỉ đạo tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thu ngân sách, xử lý các trường hợp nợ đọng thuế; tuyên truyền, vận động hộ nghèo vay vốn sản xuất, không để hộ nghèo thiếu vốn sản xuất; chỉ đạo hướng dẫn, giúp đỡ các hộ vay vốn có kế hoạch tổ chức sản xuất phù hợp và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả…

Có thể bạn quan tâm