(GLO)- Kbang là huyện chịu nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ từ ngày 30-10 đến 5-11 vừa qua. Sau khi lũ rút, huyện đã bắt tay khắc phục thiệt hại, ổn định việc làm, sinh hoạt của bà con trên địa bàn.
Kon Pne là xã chịu thiệt hại nghiêm trọng của huyện Kbang. Theo thống kê, chỉ riêng tại khu vực đèo Kon Pne đã có 3 điểm sạt lở đất nghiêm trọng, xe ô tô không thể lưu thông qua lại trong suốt thời gian từ ngày 30-10 đến 5-11, phải huy động phương tiện, máy móc xử lý. Ngoài ra, nhiều điểm sạt lở nhỏ trên các tuyến đường liên thôn, liên xã. Ban Chỉ huy Phòng-chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn xã huy động lực lượng dân quân, Công an và thanh niên cùng bà con chung tay xử lý đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông qua lại. Về cơ bản, đến ngày 6-11, tất cả điểm sạt lở trên các tuyến đường đều được khắc phục.
Người dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) khẩn trương thu hoạch phần diện tích mía bị đổ ngã do mưa lũ. Ảnh: L.H |
Ông Lê Văn Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne, cho biết: Ngoài đường sá, xã còn một số kênh mương, đập thủy lợi bị hư hại. Đập Đak Pne và Đak Tơ Pớt bị lũ cuốn trôi. Đập đầu nguồn bị vỡ khiến công trình cấp nước sinh hoạt tập trung làng Kon Hleng không hoạt động được. Đây là đập do nhân dân tự làm, do chưa có kinh phí bố trí nên hầu như năm nào cũng phải gia cố. “Đến nay, việc duy tu hệ thống giao thông, xử lý điểm sạt lở đã hoàn tất, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn. Xã đang vận động nhân dân nhanh chóng thu hoạch vụ mùa để chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân”-ông Quang nói.
Theo Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kbang, đợt mưa lũ vừa qua đã làm thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt, mưa lũ đã làm 1 trường hợp bị chết đuối xảy ra tại khu vực lòng hồ thủy điện Vĩnh Sơn (thuộc địa bàn xã Đak Rong). Thiệt hại nhiều nhất là về thủy lợi với tổng giá trị 378 triệu đồng. Có đến 245 mét kênh bê tông tại các xã Sơ Pai, Lơ Ku bị thiệt hại; 2 đập tạm tại xã Kon Pne bị cuốn trôi, bờ suối Đak Chư Pé (thị trấn Kbang) bị sạt lở 90 mét, cuốn trôi hệ thống cọc tre và bao cát gia cố… Về sản xuất nông nghiệp, thiệt hại lên đến 400 triệu đồng. Cụ thể 36,4 ha lúa bị thiệt hại 30-70%, cây công nghiệp ngắn ngày bị thiệt hại 575,25 ha.
Toàn huyện có đến 12 km đường giao thông nông thôn bị xói lở, xẻ rãnh sâu, lầy lún. Ngoài ra, còn 38 điểm sạt lở đất, 5 ngầm tràn ngập sâu khiến giao thông bị chia cắt cục bộ. Riêng ngầm tràn Đak Lek (xã Sơ Pai) bề mặt bê tông ngầm bị bong tróc. 3 cầu dân sinh bị đứt do nước lũ. Ước tính, tổng thiệt hại về giao thông khoảng 322 triệu đồng. Về nhà ở, 4 hộ dân tại thị trấn Kbang bị ảnh hưởng làm sạt lở chân móng, sạt lở đất vườn, hàng rào đổ ngã.
Theo ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang, công tác khắc phục hậu quả đợt lũ vừa qua đã được gấp rút triển khai, nhân dân các vùng ảnh hưởng đều đã trở lại sinh hoạt, sản xuất bình thường. Các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông đều đã được giải phóng phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con.
Lê Hòa