Du lịch

Hành trang lữ hành

Kbang phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) có 19 dân tộc anh em sinh sống gắn với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo, sinh động. Những năm gần đây, huyện chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch.

Phát huy bản sắc văn hóa

Năm 2017, sau khi tham gia lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng do huyện tổ chức, chị Đinh Thị Cúc (làng Chiêng, thị trấn Kbang) đã mở quán ăn mang tên “Không gian văn hóa ẩm thực làng Chiêng”. Chị đã tận dụng tối đa không gian ao, vườn của gia đình cũng như vị trí đắc địa ở đầu làng, trên tuyến đường từ thị trấn dẫn vào thác Hang Dơi cùng các món ăn dân dã như cơm lam, gà nướng, lá mì cà đắng, đọt mây nướng, rau dớn xào tỏi để thu hút thực khách.

 Huyện Kbang chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Ảnh: Ngọc Minh
Huyện Kbang chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Ảnh: Ngọc Minh


“Từ khi mở quán ăn, tôi tạo việc làm thường xuyên cho 4-8 lao động, tiền công 170-200 ngàn đồng/người/ngày. Quán mang lại thu nhập cho gia đình hơn 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, tôi còn phối hợp với Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm của làng trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm thổ cẩm truyền thống để bán cho du khách, vừa quảng bá nét văn hóa của người bản địa vừa tạo thêm thu nhập cho chị em”-chị Cúc cho biết.

Nhiều năm nay, Nhà lưu niệm Anh hùng Núp và Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung) đã trở thành điểm tham quan, nghiên cứu không thể bỏ qua của du khách khi đến Kbang. Tại Làng kháng chiến Stơr, du khách được thưởng thức những bài dân ca Bahnar, trải nghiệm chế tác nhạc cụ dân tộc, đan lát, dệt thổ cẩm và xem các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng. Anh Đinh Mỡi-nhân viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kbang-chia sẻ: “Mỗi ngày, Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, Làng kháng chiến Stơr đón 20-30 lượt khách du lịch. Nhiều đoàn khách có nhu cầu vui chơi, trải nghiệm và thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Bahnar đều được bà con phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp. Qua các hoạt động du lịch cộng đồng, người dân địa phương có thêm thu nhập”.

Đến nay, làng Mơ Hra-Đáp và Kgiang (xã Kông Lơng Khơng) đã hình thành điểm du lịch cộng đồng với các hoạt động phục dựng lễ hội truyền thống, trình diễn cồng chiêng, kể sử thi; trải nghiệm dệt thổ cẩm, chế biến các món ăn hấp dẫn của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, thu hút khách du lịch. Từ đầu năm đến nay, 2 làng đã đón 3.500 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Chủ tịch UBND xã Trần Văn Nhơn cho hay: Xã có 9 thôn, làng với các dân tộc anh em Kinh, Tày, Nùng, Thổ, Thái, Hrê, Mường và Bahnar chung sống thuận hòa. Hàng năm, xã đều tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc; liên hoan cồng chiêng, văn hóa-văn nghệ, trò chơi dân gian để người dân tham gia và phát huy tinh thần trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Bahnar gắn với phát triển du lịch. “Hiện điểm du lịch cộng đồng làng Mơ Hra-Đáp và Homestay A Ngưi (làng Kgiang) hoạt động khá hiệu quả; tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống”-ông Nhơn nói.

Tạo nền tảng để du lịch cất cánh

Kbang không chỉ có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn giàu bản sắc văn hóa, truyền thống cách mạng. Ngoài các di tích lịch sử như Làng kháng chiến Stơr, Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An), Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong… thì trong các thôn, làng cùng cộng đồng dân cư cũng chứa đựng vô vàn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như: cồng chiêng, các lễ hội, nhà rông, nhà mồ, dân ca, sử thi…

 Các nghệ nhân trên địa bàn xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang trình diễn dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh
Các nghệ nhân ở xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) trình diễn dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh


Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giai đoạn 2021-2025, huyện Kbang đầu tư gần 4 tỷ đồng để xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu như: làng Chiêng, Mơ Hra-Đáp, Kgiang, Stơr và Kon Bông (xã Đak Rong); hỗ trợ các trang-thiết bị văn hóa, thể thao tại 23 làng thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao để phục vụ du khách.

Theo kế hoạch, huyện cũng sẽ bố trí nguồn kinh phí để tổ chức sưu tầm, ghi chép, điều tra thực trạng cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng ở từng thôn, làng; sưu tầm các hiện vật, các di sản văn hóa có liên quan đến đời sống và sinh hoạt của người Bahnar để xây dựng bảo tàng sinh thái tại một số làng có điều kiện. Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp với ngành chức năng mở một số lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống ở cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện-cho biết: “Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình số 43-CTr/TU ngày 26-6-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, thời gian tới, huyện tiếp tục lồng ghép việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, coi việc gìn giữ di sản là một trong những tiêu chí quan trọng để công nhận các danh hiệu gia đình, khu dân cư văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị. Các cấp ủy đưa kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào nghị quyết để chỉ đạo thực hiện. Phục dựng các lễ hội truyền thống của dân tộc Bahnar, đưa diễn xướng cồng chiêng vào trong sinh hoạt cộng đồng và trong các sự kiện văn hóa ở địa phương; tổ chức các hoạt động giao lưu cồng chiêng, giao lưu văn hóa truyền thống giữa các dân tộc thiểu số nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, phát triển du lịch trên địa bàn”.

 

 NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm