Chính trị

Tin tức

Kbang quyết tâm "về đích" nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn huyện Kbang đã có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Dù còn khá nhiều khó khăn song huyện đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM  vào năm 2020.
Nhiều xã còn gặp khó
Năm 2010, Kbang là một trong 5 huyện được Trung ương chọn làm huyện điểm của cả nước về xây dựng NTM. Tuy nhiên, đến nay, qua rà soát thực tế, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các tiêu chí như: hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn gần 12%), thu nhập (mới đạt 29,6 triệu đồng/người/năm), nhà ở (toàn huyện còn tới 760 hộ có nhà ở tạm bợ)… Đặc biệt, toàn huyện có 13 xã nhưng đến nay chỉ mới có 3 xã đạt chuẩn NTM. Trong các xã còn lại, Đak Rong, Krong, Kon Pne… đều còn nhiều tiêu chí chưa đạt chuẩn.
 Bộ mặt nông thôn Kbang đang đổi thay từng ngày. Ảnh: N.Q
Bộ mặt nông thôn Kbang đang đổi thay từng ngày. Ảnh: N.Q
Cụ thể, xã Đak Rong hiện mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí NTM. Tỷ lệ hộ nghèo của xã này còn cao, chiếm hơn 24,7%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 16 triệu đồng; số hộ có nhà tạm, dột nát còn 250 hộ; 259 hộ dân trên địa bàn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh… Ông Đinh Nao-Chủ tịch UBND xã Đak Rong-cho biết: Phần lớn dân số của xã là người dân tộc Bahnar, trình độ dân trí và nhận thức còn thấp nên việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm gặp nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu canh tác theo tập quán cũ, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chưa biết áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, hệ thống giao thông của xã còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đường liên xã chưa được đầu tư hoàn thiện gây ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân… Điều này đã kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Còn tại Krong, theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Văn Ninh, thực hiện chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, xã chỉ mới đạt được 10/19 tiêu chí. Các tiêu chí thu nhập (thu nhập bình quân đầu người hiện mới đạt hơn 16 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo (chiếm gần 25%), nhà ở (còn 82 hộ có nhà ở tạm, dột nát)… đang rất khó để hoàn thành nếu không có sự quan tâm đầu tư của các cấp, sự đồng lòng của hệ thống chính trị xã và nhân dân…
Quyết tâm “về đích” vào năm 2020
Khó khăn là vậy nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kbang đang quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2020. Theo ông Nguyễn Văn Ninh-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Krong, để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp thì Đảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong nhân dân. Đồng thời, định hướng cho nhân dân một số cây trồng, vật nuôi để đưa vào sản xuất; triển khai xây dựng các mô hình điểm, từ đó nhân rộng nhằm giúp người dân phát triển kinh tế. Cụ thể, năm 2018, xã đã triển khai xây dựng mô hình cánh đồng lớn trên cây mía (50 ha), cây mì (30 ha) và đang triển khai nhân rộng trong nhân dân. Ngoài ra, xã đang triển khai cho người dân đăng ký thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm với diện tích hơn 40 ha…
 Đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao năng suất trên một diện tích. Ảnh: N.Q
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao năng suất trên một diện tích. Ảnh: N.Q
Ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nhất là ở 2 xã Krong và Đak Rong, huyện đã tiến hành rà soát, xác định nguyên nhân nghèo và nhu cầu của từng hộ, qua đó tổ chức đăng ký hộ thoát nghèo cũng như giao chỉ tiêu cho từng địa phương thực hiện. Đồng thời, huyện giao cho mỗi cơ quan, đơn vị hàng năm giúp 1-2 hộ thoát nghèo; hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; kêu gọi các tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ, hỗ trợ huyện xóa nhà tạm bợ, làm nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân…
Bên cạnh đó, huyện xác định việc nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất. Đây vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề để thực hiện các tiêu chí còn lại trong xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, thời gian qua, huyện đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo từng vùng, từng địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, từ nguồn vốn các chương trình, dự án phát triển sản xuất, huyện đã triển khai mô hình trồng cây mắc ca xen các cây ngắn ngày; mô hình trồng cây dược liệu; trồng dâu nuôi tằm; trồng sả Java… ở các xã phía Bắc. Còn đối với các xã phía Nam, huyện tập trung tuyên truyền người dân xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía, cây mì nhằm đưa cơ giới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích; đồng thời chuyển đổi một số diện tích mía, mì kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như mít Thái, bưởi da xanh, vải, chuối cấy mô, chanh dây… Song song với đó, huyện cũng tập trung củng cố, kiện toàn các hợp tác xã trên địa bàn, từ đó hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm của người dân. Đồng thời, huyện đẩy mạnh kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị.
Ngoài ra, huyện Kbang có một nền văn hóa đậm đà bản sắc của cộng đồng dân tộc Bahnar cùng với những thắng cảnh nổi tiếng như thác 50, thác Hang Dơi, thác Kon Bông, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu… Đây là những tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. “Huyện đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng các đội cồng chiêng, phục dựng một số lễ hội truyền thống của người Bahnar, khai thác ẩm thực của người bản địa… nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch, từ đó tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương, thu hút nhiều du khách đến với Kbang. Từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo tiền đề cho huyện hoàn thành các tiêu chí NTM còn lại… Với những giải pháp mà huyện đã và đang triển khai, chúng tôi tự tin huyện sẽ “về đích” NTM vào năm 2020”-Chủ tịch UBND huyện Kbang Võ Văn Phán khẳng định.
NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm