Chính trị

Kbang sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) từng bước được sắp xếp tinh gọn, hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Trước đây, về lĩnh vực nông nghiệp, huyện Kbang có nhiều đơn vị sự nghiệp độc lập gồm: Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông và một số biên chế khuyến công-định canh, định cư của Phòng Dân tộc huyện. Theo đó, mỗi đơn vị đều có bộ máy lãnh đạo, đội ngũ viên chức riêng biệt, cồng kềnh; thực thi nhiệm vụ nhiều lúc trùng lắp, chồng chéo ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tham mưu và lãnh đạo, chỉ đạo. Đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất các đơn vị, bộ phận nêu trên với 14 cán bộ, viên chức.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang hướng dẫn người dân cách phát hiện và phòng trừ sâu bệnh trên cây mía. Ảnh: M.N

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang hướng dẫn người dân cách phát hiện và phòng trừ sâu bệnh trên cây mía. Ảnh: M.N

Ông Bùi Trọng Lượng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Sau khi hợp nhất, các mặt hạn chế từng bước được khắc phục; các vị trí lãnh đạo, quản lý giảm bớt, nhiệm vụ của viên chức, người lao động gom lại, phân công một người làm nhiều nhiệm vụ thay cho một công việc như trước đây. Chế độ tiền lương, tiền công không tăng; điều kiện, phương tiện làm việc không thay đổi, tiết kiệm các chi phí khác nhưng hiệu quả công việc được nâng lên. “Không những bộ máy được tinh gọn mà công tác chỉ đạo, điều hành tập trung hơn. Các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác được bổ sung, hoàn thiện từng bước hoạt động ổn định, nhịp nhàng. Công tác chuyên môn thường xuyên được củng cố và chất lượng ngày càng nâng cao”-ông Lượng đánh giá.

Đi đôi với việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND huyện Kbang cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp các đơn vị trường học. Bà Lưu Thị Tình-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tơ Tung (xã Tơ Tung) cho hay: Trường được sáp nhập từ Trường Tiểu học Đê Bar và Trường THCS Tơ Tung. Việc sáp nhập trường cơ bản không làm xáo trộn về học sinh, giáo viên, lớp học mà tạo thuận lợi hơn cho công tác lãnh đạo, điều hành, giảm được biên chế quản lý, nhân viên, qua đó tinh gọn bộ máy tổ chức, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tăng quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học, tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Trường Tiểu học và THCS Tơ Tung được sáp nhập từ Trường Tiểu học Đê Bar và Trường THCS Tơ Tung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Ảnh: M.N

Trường Tiểu học và THCS Tơ Tung được sáp nhập từ Trường Tiểu học Đê Bar và Trường THCS Tơ Tung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Ảnh: M.N

“Đối với các bộ môn đặc thù như: Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, nhà trường điều phối giáo viên hỗ trợ giảng dạy ở 2 bậc học, tránh được tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Ngoài ra, học sinh tiểu học có thể tận dụng cơ sở vật chất phòng tin học của học sinh THCS để tiếp cận môn Tin học. Đồng thời, các hoạt động tập thể cũng tập trung hơn. Đồng thời, nhà trường có điều kiện đầu tư nguồn lực, kể cả đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất, trang-thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục”-bà Tình thông tin thêm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Việc tổ chức, sắp xếp, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, UBND huyện đã triển khai đề án sắp xếp, sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã sắp xếp, sáp nhập 12 đơn vị sự nghiệp giáo dục để thành lập 6 đơn vị mới. So với thời điểm trước năm 2018, toàn huyện giảm từ 50 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập xuống 44 đơn vị. “Sau khi sáp nhập, hợp nhất, hệ thống các đơn vị sự nghiệp tinh gọn, giảm đầu mối, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Từ đó, các đơn vị tăng tính tự chủ và nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh lãng phí về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, nhân lực”-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang đánh giá.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, các cơ quan liên quan cũng đã chủ động rà soát quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý. Đến nay, huyện đã tiến hành sáp nhập Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình vào Trung tâm Y tế huyện; sáp nhập Đài Truyền thanh-Truyền hình và Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thanh thiếu nhi thành Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện; thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trên cơ sở hợp nhất các đơn vị, bộ phận liên quan.

Mặt khác, UBND huyện chỉ đạo rà soát giảm biên chế dôi dư do sắp xếp bộ máy, do cơ cấu lại vị trí việc làm. Biên chế quản lý, biên chế gián tiếp cũng được xác định lại và sắp xếp, tinh giản cho phù hợp cơ cấu viên chức của đơn vị mới sau khi sắp xếp. Dù tinh giản biên chế nhưng các đơn vị vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các đơn vị trường học đã điều tiết giáo viên bộ môn từ nơi thừa đến nơi thiếu, hạn chế việc tăng thêm biên chế giáo viên và viên chức trường học khác như: kế toán, thư viện, y tế trường học… Từ năm 2017 đến nay, huyện đã quyết định cho nghỉ hưu trước tuổi 64 trường hợp; đồng thời, cắt giảm biên chế theo đúng lộ trình hướng dẫn của UBND tỉnh.

Việc sắp xếp, sáp nhập trường học đã góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tăng quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: M.N

Việc sắp xếp, sáp nhập trường học đã góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tăng quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: M.N

Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phan Trần Thọ khẳng định: Việc tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý được triển khai thực hiện phù hợp với tình hình của Đảng bộ huyện; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội huyện đã được sắp xếp, kiện toàn. Các phòng chuyên môn cấp huyện được quy định rõ ràng hơn, khắc phục được sự trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động thông suốt, có hiệu quả, tạo thuận lợi cho chính quyền cấp huyện trong việc phân bổ chỉ tiêu, biên chế thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang: Đến nay, huyện đã hợp nhất việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu một số đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ như: Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện; Trưởng ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; chia tách, hợp nhất, sáp nhập 167 thôn, làng, tổ dân phố lại còn 110 thôn, làng, tổ dân phố.

“Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn nhưng rất nhạy cảm, phức tạp và khó thực hiện vì liên quan đến công tác nhân sự, do đó cần phải có thời gian, sự phối hợp của các cấp, các ngành. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, nhất là quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện của các cấp ủy, tổ chức Đảng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt; đôn đốc, nhắc nhở, uốn nắn những nơi làm chưa tốt”-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm