Kinh tế

Kbang: Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để nâng cao giá trị kinh tế ngành nông nghiệp, những năm qua, huyện Kbang đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Để khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương, chính quyền và các ngành chức năng huyện Kbang đã triển khai nhiều dự án, chương trình giúp nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế cao theo nhu cầu của thị trường.

 

Mô hình trồng cam sành của gia đình bà Trần Thị Lan (thôn 1, xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: H.Đ
Mô hình trồng cam sành của gia đình bà Trần Thị Lan (thôn 1, xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: H.Đ

Anh Đinh Văn Thông (làng Điện Biên, xã Sơn Lang) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1 ha đất sản xuất, trước đây chỉ biết trồng lúa rẫy nhưng năng suất thấp. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, gia đình chuyển diện tích này sang trồng cà phê và hồ tiêu nên hiệu quả kinh tế thu được cao hơn, đời sống đã cải thiện đáng kể”.

Với tổng diện tích đất sản xuất hơn 34.600 ha, trên địa bàn huyện Kbang đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng rõ rệt theo lợi thế của từng vùng. Ở khu vực phía Bắc, diện tích cây trồng chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, cao su; ở khu vực trung tâm huyện chủ yếu trồng các loại hoa màu, còn ở phía Nam hầu hết đất sản xuất được dành để trồng mía, lúa nước. Phá vỡ thế độc canh, nhiều gia đình trong huyện đã mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây ăn quả với tổng diện tích 535 ha, gồm: xoài, nhãn lồng, cam, quýt, sầu riêng, chuối… đem lại nguồn thu nhập cao. Điển hình là mô hình trồng cam sành của gia đình bà Trần Thị Lan (thôn 1, xã Sơn Lang) mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Việc đầu tư trồng, chăm sóc cây cam ít tốn công và kinh phí so với một số cây trồng khác như cà phê. Hơn nữa, gia đình trồng cam sạch, chỉ bón phân hữu cơ nên sản phẩm tiêu thụ nhanh, giá cao, hiện tại dao động từ 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg”-bà Lan cho biết.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, cây mắc ca đã xuất hiện trên địa bàn huyện Kbang với nhiều triển vọng. Hiện toàn huyện có 217 ha cây mắc ca, trong đó 100 ha thuộc dự án do Tập đoàn Mắc ca Việt Nam và Công ty cổ phần Liên Việt Gia Lai đầu tư hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ người dân làng Groi (thị trấn Kbang) trồng, chăm sóc. Ông Nguyễn Đăng Chung-Chủ tịch UBND thị trấn Kbang, cho biết: “Thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo, thường xuyên phối hợp với chủ đầu tư của dự án để đôn đốc, hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca. Diện tích mắc ca thuộc dự án này đang sinh trưởng và phát triển tốt, hy vọng sẽ góp phần giúp người dân làng Groi thuộc diện tái định cư xóa đói giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống”.  

Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thúc đẩy kinh tế-xã hội ở huyện Kbang ngày càng phát triển. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 15,7%, giảm 5,4% so với năm 2016; thu nhập bình quân đầu người đạt 26,71 triệu đồng/năm. Huyện cũng đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thời gian tới, huyện Kbang sẽ liên kết với các doanh nghiệp để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tiêu thụ và chế biến sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển diện tích các loại cây ăn quả, chanh dây, dứa, sa nhân tím, mắc ca và các loại cây dược liệu dưới tán rừng, gắn với phát triển kinh tế du lịch. “Các ngành chức năng của huyện đã làm việc với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao để liên kết đầu tư hình thành một số vùng cây ăn quả gắn với tiêu thụ và chế biến nông sản trên địa bàn huyện. Nhiều nông dân trong huyện rất phấn khởi và đăng ký tham gia mô hình này”-ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, cho biết.

Hà Đức

Có thể bạn quan tâm