Chính trị

Tin tức

"Kê khai tài sản quan chức rất hình thức, chế tài chưa đủ mạnh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc kê khai tài sản hiện nay rất hình thức và chế tài đối với người kê khai sai, thiếu trung thực chưa đủ mạnh. Tệ hơn, sự hình thức đó lại được coi như việc bình thường.
Sau quyết định khởi tố 2 cựu Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, cơ quan điều tra Bộ Công an vừa chính thức đề nghị UBND TP Đà Nẵng cùng các sở ngành liên quan phong tỏa tài sản của hai vị nguyên lãnh đạo này do liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm).
Nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra đó là liệu có phong tỏa được hết tài sản của 2 vị cựu Chủ tịch Đà Nẵng hay không khi tài sản đứng tên vợ con, người thân? Hoặc họ đã kịp tẩu tán dưới nhiều hình thức tinh vi? Căn cứ pháp lý nào để phong tỏa và thu hồi hiệu quả tài sản tham nhũng? 
Công an khám nhà ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Công an khám nhà ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Phóng viên trao đổi với ông Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
PV: Ông có bình luận gì về quyết định phong tỏa tài sản của 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng của cơ quan chức năng?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Quyết định phong tỏa tài sản của ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến trước hết cho thấy những vi phạm của 2 ông này theo cơ quan điều tra là có liên quan đến lợi ích vật chất vì vậy mới quyết định phong tỏa tài sản. Đây không chỉ là một bước trong quá trình tố tụng mà còn là thông điệp đối với công chúng rằng, trong xử lý vụ việc này, cơ quan điều tra ngoài việc nhắm tới những trách nhiệm pháp lý còn có các vấn đề về tài sản, vừa là vật chứng vừa là sự thụ lợi trong quá trình làm sai của 2 ông này. Còn tôi nghĩ đến thông điệp về kiên quyết truy tìm tài sản tham nhũng nhiều hơn.
PV: Dư luận băn khoăn khi mà có những tài sản của hai vị này nhưng đứng tên sở hữu của những người khác thì có căn cứ để phong tỏa hay không, thưa ông?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Về nguyên tắc, cơ quan điều tra không có quyền phong tỏa những tài sản nếu không chứng minh được hoặc không có căn cứ cho thấy có liên hệ về mặt sở hữu đối với bị can đã bị khởi tố. Nhưng rất có thể, phần hai ông này có tham gia sở hữu sẽ nhỏ hơn rất nhiều với thực sự những gì họ nắm giữ mà đứng tên người khác.
PV: Theo ông đâu là những lỗ hổng lớn nhất trong vấn đề kê biên, phong tỏa và thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Những lỗ hổng trong pháp luật hiện nay là khi cơ quan điều tra đã xác định được tài sản có liên quan đến tham nhũng thì cần phải phong tỏa sớm hơn. Từ ngày bị can bị khởi tố về các tội liên quan đến quyền lực hay tham nhũng  thì họ có rất nhiều thời gian để chuyển đổi số tài sản đó hoặc “phù phép” để nó biến mất hay đứng tên người khác, điều đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thực sự của việc thu hồi tài sản tham nhũng.
PV: Rất nhiều ý kiến cho rằng phá án tham nhũng nhưng không thu hồi được tài sản tham nhũng chưa phải là chống tham nhũng hiệu quả?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Quan điểm của tôi về phòng chống tham nhũng là phải bao gồm cả phòng và chống, chúng ta phải có quy định để đảm bảo tài sản bất minh phải được phát hiện trong thời gian sớm nhất. Vì đến mức phải xử lý hình sự thì gần như tài sản đã bị tẩu tán gần hết. Và đúng là nếu xử án tham nhũng mà không khắc phục được hậu quả do tham nhũng gây ra hoặc chỉ khắc phục được một phần không đáng kể thì không thể gọi là chống tham nhũng hiệu quả mặc dù người làm sai có thể đã bị xử tù hay các chế tài pháp lý khác.
PV: Vậy cần có những điều chỉnh ra sao, đặc biệt về pháp lý để phong tỏa và thu hồi hiệu quả tài sản tham nhũng?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Hiện chúng ta đã có các quy định về kê khai tài sản, cấp nào kê khai và công khai kết quả tới đâu, tới mức nào. Tuy nhiên theo tôi vẫn còn quá hình thức. Chẳng hạn như ông Phan Văn Vĩnh khai có mua một chiếc đồng hồ Rolex trị giá trên 1,1 tỷ đồng từ 1 bị can trong vụ án đánh bạc chứ không phải bị can đó hối lộ ông ta.
Nếu chúng ta có cơ chế kiểm soát cả sinh hoạt và tài sản của quan chức tốt hơn thì chắc chắn những sự việc bất minh, việc tiêu xài quá mức thu nhập, hay sự xuất hiện những tài sản có giá trị lớn phải được làm rõ, phải được giám sát bởi công luận, bởi cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý quan chức, đảng viên đó chứ không phải đợi ra án tham nhũng rồi mới đi tìm và thu hồi những tài sản liên quan tham nhũng.
PV: Theo ông, những bài học kinh nghiệm cần rút ra trong việc kê khai và kiểm soát tài sản của đảng viên là lãnh đạo, đặc biệt cán bộ cấp cao hiện nay là gì?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Rõ ràng dư luận đang thiếu niềm tin về việc kê khai tài sản của quan chức, và đôi lúc câu chuyện về tài sản của quan chức hay nguồn gốc hình thành những tài sản đó đã trở thành những câu chuyện hài hước như buôn chổi đót, chạy xe ôm, nuôi heo để xây biệt phủ mà chúng ta đã thấy trong thời gian qua… Điều đó cho thấy việc kê khai tài sản hiện nay rất hình thức và chế tài đối với người kê khai sai, thiếu trung thực chưa đủ mạnh. Tệ hơn, sự hình thức đó lại được coi như việc bình thường, làm cho có, khi người dân nhìn thấy việc làm chiếu lệ, không tin cậy, lâu dần người dân không còn muốn để ý, tố cáo.
Như vậy việc kê khai gian dối và nhiều việc gian dối khác trở thành những việc bình thường trong đời sống, làm nản lòng những người thực sự mong muốn sự minh bạch.
Sẽ có người nói rằng công khai tài sản như vậy hoặc mua sắm tài sản đắt tiền, xa xỉ phải báo cáo với một cấp quản lý nào đó, tức là bỏ đi một phần tự do bình thường của con người là tự do thụ hưởng thành quả vật chất.
Thế nhưng phải sòng phẳng với nhau rằng, ở một chức vụ nào đó, anh phải đặt mình vào sự giám sát của dư luận, của tổ chức. Nếu muốn tự do hoàn toàn thì có thể làm nghề khác, không liên quan đến chính trị.
Như vậy, theo tôi phải bắt đầu từ những cam kết, quy chế nhỏ nhất liên quan đến việc sinh hoạt, việc hình thành, kê khai, công khai tài sản của quan chức cho công luận giám sát. 
Tiếp đến như tôi đã nói, việc phong tỏa tài sản khi phát hiện tài sản bất minh chỉ cần có dấu hiệu hay dư luận thì phải có cơ chế giải trình và phải được làm một cách thực chất. Nếu làm nghiêm, làm tốt, chỉ cần một số vụ ban đầu sẽ tạo ra được tiền lệ tốt để chúng ta xây dựng không chỉ cơ chế kiểm soát tài sản mà là văn hóa chính trị minh bạch hơn.
PV: Xin cảm ơn ông.
Hải Quân (VOV1)

Có thể bạn quan tâm