Kinh tế

Giá cả thị trường

Kéo giảm giá lợn: Khó mong đợi sự tự giác của các "đại gia"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc kéo giảm giá lợn hơi xuống theo lộ trình như chỉ đạo của Chính phủ sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự quyết liệt hơn nữa của các cơ quan quản lý, chứ không thể trông chờ vào sự tự giác của các doanh nghiệp.
Giá tăng cao bất thường 
Những ngày qua, khu vực bán thịt lợn tại chợ Biên Hòa (Đồng Nai) không thuộc diện tạm ngừng kinh doanh vì dịch Covid-19 nên người mua người bán vẫn đông. Tuy nhiên, giá thịt lợn vẫn đang ở mức rất cao, không có dấu hiệu nào cho thấy giá thịt sẽ sớm giảm.
Theo các tiểu thương, cách đây ít ngày, thịt lợn có một đợt giảm giá nhẹ, khoảng vài nghìn đồng/kg, nhưng sau đó quay đầu tăng trở lại.
 
Quầy kinh doanh thịt lợn tại một chợ đầu mối ở TP.HCM.  Ảnh: N.V

Nông dân phụ thuộc chủ yếu vào con giống của các doanh nghiệp lớn nên hoạt động tái đàn ở nông hộ diễn ra rất ít. Ngành chăn nuôi lợn đang bắt đầu xoay trục với lực lượng sản xuất chủ đạo là các doanh nghiệp, trang trại lớn, có thể sẽ chiếm trên 80% tổng đàn lợn.

Ghi nhận từ Sở Công Thương Đồng Nai, ngoài một số công ty chăn nuôi lớn vẫn giữ mức giá ổn định thì giá lợn hơi tại các trang trại, nông hộ tăng, giảm theo hình sin.

Cụ thể, khi thực hiện chỉ đạo giảm giá lợn hơi từ đầu tháng 4, giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam giảm xuống 70.000 đồng/kg; tại Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu giảm 6.000 đồng/kg xuống còn 72.000 đồng/kg. Tại huyện Thống Nhất và Long Khánh, giá lợn hơi giảm xuống 74.000 - 75.000 đồng/kg.
Dù giá lợn hơi giảm dần nhưng kỳ lạ là giá thịt các loại ở chợ gần như không hề giảm, trong đó thịt nạc có giá 150.000 đồng/kg, thịt đùi 140.000 đồng/kg, thịt ba rọi 180.000 đồng/kg.
Đáng nói là từ giữa tháng 4 đến nay, giá lợn hơi tiếp tục tăng phi mã. Biến động mạnh nhất là ở huyện Xuân Lộc, từ chỗ 78.000 đồng/kg những ngày đầu 4 giảm xuống 70.000 đồng/kg hồi giữa tuần trước, thì đến ngày 14/4 bất ngờ bật tăng trở lại lên mức 78.000 đồng/kg.
Đến ngày 16/4, giá lợn hơi đồng loạt tăng khắp nơi, như tại huyện Long Khánh tăng 3.000 đồng/kg lên 83.000 đồng/kg; tại huyện Thống Nhất, Xuân Lộc cùng tăng 7.000 đồng/kg, lần lượt đạt 82.000 và 83.000 đồng/kg. Sau nửa tháng ổn định, giá lợn hơi ở Công ty Hương Vĩnh Cửu cũng tăng 6.000 đồng/kg lên 78.000 đồng/kg.
Bà Dương Thúy Hạnh - người tiêu dùng ở Biên Hòa than thở: “Giá quá chát, không biết người dân, rồi những lao động phải nghỉ việc vì Covid-19 phải sống sao! Người tiêu dùng đang rất cần sự chia sẻ lợi ích từ tất cả các khâu trong chuỗi giá trị thịt lợn trong giai đoạn khó khăn này”.
Ông Nguyễn Trường Giang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai cũng thừa nhận, giá thịt lợn đang có sự bất hợp lý. “Ngoài việc hạ giá lợn hơi, rất cần bỏ bớt các khâu trung gian, quản lý tốt khâu vận chuyển và giết mổ thì mới giảm được giá thịt đến tay tiêu dùng” - ông Giang nói.
Ngành chăn nuôi lợn xoay trục
 
Nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn lựa chọn mua thịt lợn ở siêu thị vì giá cao. Ảnh: N.V 
Nhiều điểm nghịch lý cũng bộc lộ trong chuỗi thịt lợn khi đối chiếu với các số liệu của Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai. Theo đó, lượng lợn hơi Đồng Nai xuất chuồng mỗi ngày vẫn ở mức 7.000 - 8.000 con, tiêu thụ cả trong và ngoài tỉnh. Nghĩa là nguồn cung không thiếu nhiều, lượng xuất chuồng tương đương thời điểm chưa có dịch tả lợn châu Phi.
Sở NNPTNT Đồng Nai thường đưa ra mức tổng đàn lợn trong tỉnh ở con số chung chung khoảng 2 triệu con. Trong khi Cục Thống kê tỉnh này lại đưa ra những con số trồi sụt rất cụ thể. Theo đó, tháng 1 tổng đàn lợn đạt 1,78 triệu con; tháng 2 tăng lên hơn 2 triệu con. Đến tháng 3 giảm xuống còn 1,81 triệu con.
Còn theo một số trại lợn và thương lái, sản lượng lợn đổ về các chợ đầu mối ở TP.HCM gần đây giảm mạnh, ngoài ra lợn có trọng lượng lớn cũng không nhiều như trước. Điều này cho thấy thị trường đang càng lúc càng thiếu thịt lợn. Điều này lí giải vì sao giá lợn hơi về các chợ đầu mối dù giảm vài ngàn đồng/kg nhưng vẫn chưa đủ sức tác động đến giá thịt tiêu dùng.
Báo cáo thị trường thịt gia súc trong tháng 3 và dự báo tháng 4, Bộ Công Thương thừa nhận diễn biến giá thịt đã không như kỳ vọng. Theo lộ trình Bộ NNPTNT đưa ra, đến cuối quý II và quý III sẽ giảm xuống mức 65.000 đến 60.000 đồng/kg. Còn thực tế, đến giữa tháng 4, giá lợn hơi không những không giảm mà còn tăng cao bất chấp những khuyến nghị của cơ quan quản lý.
Dự báo về nguồn thịt sắp tới, Bộ Công Thương cho biết, với tổng đàn chỉ đạt khoảng 24 triệu con vào cuối tháng 3/2020, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý II/2020 vẫn sẽ ở mức thấp, khoảng 840.000 - 860.000 tấn, thị trường vẫn thiếu hụt khoảng 130.000 - 150.000 tấn thịt lợn hơi.
Đặc biệt, do bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi và giá lợn giống quá cao, nông dân lại phụ thuộc chủ yếu vào con giống của các doanh nghiệp lớn nên hoạt động tái đàn ở nông hộ diễn ra rất ít. Ngành chăn nuôi lợn đang bắt đầu xoay trục với lực lượng sản xuất chủ đạo là các doanh nghiệp, trang trại lớn, có thể sẽ chiếm trên 80% tổng đàn lợn.
Theo Bộ Công Thương, điều này cho thấy thị trường thịt lợn đang chịu sự chi phối chủ yếu từ các doanh nghiệp lớn. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn không chịu giảm trong thời gian qua. Do đó, việc kéo giảm giá lợn hơi xuống theo lộ trình chỉ đạo của Chính phủ phụ thuộc rất lớn vào sự quyết liệt hơn nữa của các cơ quan quản lý, chứ không thể trông chờ vào sự tự giác của các doanh nghiệp.
Nguyễn Vỹ (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm