Chính trị

Tin tức

Kết luận của Bộ CT về thí điểm hợp nhất và kiêm nhiệm chức danh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

6 mô hình thí điểm được nêu trong Kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18.

Ngày 7/8/2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Sáu mô hình thí điểm được nêu trong Kết luận của Bộ Chính trị đều được cụ thể hóa rõ đối tượng, rõ việc, rõ trách nhiệm, có sự phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện.

Cụ thể, về thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện, kết luận nêu rõ, giao cho ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, chủ động lựa chọn thực hiện mô hình thí điểm. Người được phân công kiêm nhiệm là người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp; là ủy viên ban thường vụ cấp ủy (hoặc cấp ủy viên) và là ủy viên UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc kiện toàn chức danh người đứng đầu theo trình tự: Ban thường vụ cấp ủy phân công đối với chức danh về đảng; giới thiệu để HÐND bầu ủy viên UBND và UBND quyết định bổ nhiệm chức vụ thủ trưởng cơ quan chuyên môn của UBND. Người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn thuộc UBND thuộc biên chế cơ quan đảng.


 

 



Về thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện, Bộ Chính trị giao ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương, chủ động lựa chọn địa bàn cơ quan, xây dựng, phê duyệt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mô hình thí điểm. Việc thí điểm hợp nhất theo các định hướng cơ bản sau: Cơ quan hợp nhất là cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy; đồng thời là cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp; thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Ban Bí thư về cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy và quy định của pháp luật về cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp.

Một số chức năng, nhiệm vụ của cơ quan cũ không tương đồng thì có thể chuyển cho cơ quan tương đồng khác để bảo đảm hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, giúp việc. Tên gọi của cơ quan sau hợp nhất phải khái quát được chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hợp nhất, do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định cụ thể. Sau khi hợp nhất, cơ quan mới được khắc con dấu theo tên của cấp có thẩm quyền quyết định và sử dụng trong quá trình tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy và cơ quan chuyên môn của UBND. Cơ cấu lại tổ chức bên trong của cơ quan hợp nhất theo hướng không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông trong tổ chức và hoạt động, phù hợp tình hình thực tế, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Người đứng đầu cơ quan hợp nhất là ủy viên ban thường vụ (hoặc cấp ủy viên) do ban thường vụ cấp ủy phân công và giới thiệu để HÐND bầu ủy viên UBND, chủ tịch UBND bổ nhiệm giữ chức vụ cấp trưởng theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Riêng đối với việc hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra và thanh tra, thực hiện quy trình bầu cử ủy viên, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra theo Quy chế bầu cử trong Ðảng, bổ nhiệm kiểm tra viên theo quy định của Ðảng; sau đó, thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm các chức danh thanh tra viên, chánh thanh tra, phó chánh thanh tra theo quy định của Nhà nước.

Khi hợp nhất, số lượng lãnh đạo cấp phó của cơ quan hợp nhất không vượt quá tổng số lãnh đạo cấp phó hiện có của các cơ quan thành viên; đồng thời, xây dựng lộ trình cơ cấu lại để đến hết năm 2020, có số lượng lãnh đạo cấp phó của cơ quan hợp nhất theo quy định.

Biên chế của cơ quan hợp nhất do cơ quan có thẩm quyền giao theo quy định; được tính vào biên chế của cơ quan đảng và không vượt quá số lượng biên chế hiện có của các cơ quan thành viên; đồng thời, xây dựng vị trí việc làm và tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho phù hợp với tình hình thực tế và theo các nghị quyết, kết luận hiện hành của Ban Chấp hành Trung ương và của Bộ Chính trị. Cán bộ, công chức trong các cơ quan hợp nhất được hưởng chế độ, chính sách của cán bộ, công chức cơ quan đảng cho đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới.

Ðối với thủ tục hành chính khi giải quyết công việc thực hiện theo quy định hiện hành của Ðảng và Nhà nước; đồng thời, xây dựng cơ chế vận hành và các quy trình giải quyết công việc theo nguyên tắc không trùng lặp, không phát sinh khâu trung gian. Về thể thức văn bản, với các văn bản tham mưu giúp cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy thì sử dụng thể thức văn bản của Ðảng. Với các văn bản phục vụ việc quản lý, điều hành của Nhà nước thì sử dụng thể thức văn bản theo quy định của Nhà nước. Với các công văn hành chính, văn bản chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao thì sử dụng thể thức văn bản cho phù hợp…

Về thí điểm trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện, Bộ Chính trị giao ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương chủ động lựa chọn thực hiện thí điểm ở cấp huyện; Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp Ban Dân vận Trung ương, Ðảng đoàn MTTQ Việt Nam làm việc và thống nhất với ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy nơi có điều kiện để thí điểm mô hình này.

Kiện toàn chức danh kiêm nhiệm thực hiện theo trình tự phân công ủy viên ban thường vụ, trưởng ban dân vận cấp ủy trước, sau đó giới thiệu để Ủy ban MTTQ hiệp thương chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ theo quy định của Ðiều lệ MTTQ Việt Nam và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Về tổ chức lại đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh được giao cho ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, chủ động lựa chọn mô hình, xây dựng, phê duyệt đề án, các quy định cụ thể và lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức lại các đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh theo một trong ba phương án: Một là, kết thúc hoạt động đảng bộ khối doanh nghiệp; tùy theo quy mô, tính chất doanh nghiệp hoặc nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc nơi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp để chuyển các đảng bộ, chi bộ doanh nghiệp từ trực thuộc đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, thành phố về trực thuộc cấp ủy phù hợp (cấp huyện hoặc cấp cơ sở). Hai là, hợp nhất đảng bộ khối các cơ quan cấp tỉnh và đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh; cơ cấu lại tổ chức bên trong và đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ba là, sắp xếp lại tổ chức, biên chế của đảng ủy khối doanh nghiệp cấp tỉnh, bảo đảm tinh gọn; tập trung vào một số nhiệm vụ công tác xây dựng Ðảng và nâng cao tính thực chất và hiệu quả hoạt động.

Về thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện được giao cho ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương, chủ động lựa chọn mô hình hợp nhất, xây dựng, phê duyệt đề án và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thí điểm; trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo đề xuất Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ xem xét, hướng dẫn.

Về thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HÐND và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung ở những nơi có đủ điều kiện, giao cho Ðảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện thí điểm theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 56/2017/QH14, ngày 24-11-2017 của Quốc hội và Nghị quyết số 10, ngày 3-2-2018 của Chính phủ; chủ động tháo gỡ khó khăn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm có hiệu quả.

Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương chủ động chỉ đạo xây dựng, phê duyệt đề án và phối hợp các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc hợp nhất theo hướng cơ quan hợp nhất bảo đảm thực hiện toàn diện, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan sáp nhập; cơ cấu các đơn vị bên trong không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; khi sáp nhập, số lượng cấp phó của cơ quan hợp nhất không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của các cơ quan sáp nhập và xây dựng lộ trình để đến năm 2020 có số lượng cấp phó theo quy định. Biên chế của cơ quan hợp nhất do UBND tỉnh quản lý và không vượt quá tổng số biên chế hiện có của các cơ quan sáp nhập; đồng thời xây dựng vị trí việc làm, tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện tinh giản biên chế theo các nghị quyết, kết luận hiện hành của Trung ương và của Bộ Chính trị. Quá trình thực hiện nếu có những vấn đề còn vướng mắc thì phối hợp Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ để tháo gỡ.

Bộ Chính trị giao Ban cán sự Ðảng Chính phủ chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, quy định mẫu dấu cho các cơ quan thực hiện thí điểm hợp nhất và hướng dẫn việc khắc dấu, quản lý và sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Ban Tổ chức Trung ương có trách nhiệm phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi tổng hợp tình hình thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền; đồng thời sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các mô hình thí điểm làm căn cứ đề xuất từng bước nhân rộng những mô hình phù hợp, hiệu quả.

PV (VOV)

Có thể bạn quan tâm