Kinh tế

Giá cả thị trường

Kết nối, mở rộng mạng lưới bán hàng OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc mở nhiều điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Gia Lai cũng như ký gửi sản phẩm OCOP ở các tỉnh bạn đã tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Phát triển kênh bán lẻ

Ngày 7-10, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai khai trương điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku). Trước đó, tháng 8-2020, một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku cũng được khai trương và đi vào hoạt động. C

ác điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm này đã thu hút hầu hết sản phẩm đặc sản đặc trưng của địa phương được chứng nhận OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, mật ong, bò khô, măng khô, mắc ca, cao đinh lăng, đông trùng hạ thảo, gạo, trà… và bước đầu được người tiêu dùng đánh giá cao.

Cắt băng khai trương điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tại Khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Vũ Thảo


Ông Trần Văn Trong-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai-cho hay: “Điểm trưng bày tại Khu du lịch Biển Hồ có hơn 50 sản phẩm. Ngoài các sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, chúng tôi còn khuyến khích Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai đưa sản phẩm vào để giới thiệu ra thị trường. Từ đó, có hướng giúp các chủ thể xây dựng sản phẩm của mình tốt hơn để có thể trở thành sản phẩm OCOP trong tương lai”.

Việc trưng bày và bán sản phẩm tại những địa điểm thuận lợi như Khu du lịch Biển Hồ, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang được kỳ vọng là sẽ thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Ông Võ Thành Tuân-Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai-cho biết: Qua hơn 2 tháng mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, cửa hàng đã có một lượng khách nhất định. Đây sẽ là cầu nối, trao đổi giữa OCOP Gia Lai và các tỉnh thành khác.

Kết nối với hệ thống OCOP cả nước

Trong chuyến công tác tại Gia Lai mới đây, ông Vũ Thành Long-Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh-cho rằng: Việc mở các điểm bán hàng OCOP sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm được tiếp cận gần hơn đến người tiêu dùng. “Chúng tôi coi Gia Lai là thị trường lớn để liên kết đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa 2 tỉnh Gia Lai-Quảng Ninh. Với một thị trường rộng lớn, dân số đông là cơ hội để hàng hóa của 2 tỉnh có thể thâm nhập vào thị trường của nhau, từ đó thúc đẩy hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị”-ông Long nói.

Trong xu thế hội nhập thị trường, từ đầu năm đến nay, ngành Công thương đã hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Bình, Sơn La… Theo ông Trần Văn Trong, một số sản phẩm của Quảng Ninh, Kon Tum, Đak Lak đã hiện diện tại điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP Gia Lai. Và chắc chắn, sản phẩm OCOP của Gia Lai cũng sẽ sớm có mặt tại gian hàng OCOP ở các tỉnh bạn đã ký kết hợp tác giao thương.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại: Gia Lai đang có một gian hàng chung gồm những sản phẩm OCOP đặc trưng như hồ tiêu, bò khô, mật ong, rượu đinh lăng, hạt điều, chanh dây… tham gia trưng bày và giới thiệu tại Hội chợ thương mại nông sản vùng Tây Bắc-Sơn La được tổ chức tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) từ ngày 3 đến 10-10.

“Là tỉnh miền núi phía Bắc, Sơn La có một số sản phẩm đã được phát triển thành OCOP có nét tương đồng với tỉnh ta. Do đó, việc tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm rất là cần thiết. Từ đó, sẽ giúp các chủ thể có sự chủ động thay đổi, hoàn thiện về mẫu mã, bao bì và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm tạo ra ưu thế cạnh tranh giữa những nhà sản xuất, giúp họ dễ dàng thiết lập nhiều kênh phân phối rộng khắp”-bà Thu thông tin thêm.

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm