Kết quả điều tra dư luận xã hội về bầu cử ở Gia Lai: Những tín hiệu khả quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm nắm bắt những thông tin trung thực về sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng như mong muốn của người dân đối với các ứng cử viên trong nhiệm kỳ tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai vừa tiến hành điều tra dư luận xã hội về cuộc bầu cử qua mạng xã hội Zalo.
Cuộc điều tra đã thu hút 10.000 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân đang công tác, học tập và sinh sống trên địa bàn tỉnh tham gia theo 5 nhóm đối tượng: công nhân, nông dân và quần chúng nhân dân có 6.000 người tham gia, chiếm 60%; cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có 2.000 người, chiếm 20%; tiểu thương, hộ kinh doanh, nhân viên các doanh nghiệp có 1.000 người, chiếm 10%; văn nghệ sĩ, trí thức 500 người, chiếm 5%; cán bộ hưu trí 500 người, chiếm 5%. Kết quả điều tra có 78,12% người trả lời là rất quan tâm đến cuộc bầu cử lần này, số người trả lời quan tâm là 16,75%, bình thường là 4,21%.
Tại thời điểm tiến hành điều tra phiếu (đầu tháng 4-2021), có 78,25% cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nắm rõ thông tin về ngày tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là vào chủ nhật, ngày 23-5-2021. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ (21,75%) người được hỏi nhầm lẫn về thời gian tổ chức cuộc bầu cử. 99,3% ý kiến cho biết bản thân và gia đình được mời tham gia họp bàn hoặc nghe thông tin giới thiệu về các ứng viên đại biểu Quốc hội và HĐND ứng cử ở địa phương mình, chỉ có 0,7% (tương đương 70/10.000 người) trả lời không.
Khi được hỏi về quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và tổ chức các bước hiệp thương ở địa phương, đơn vị mình đang sinh sống, công tác, có 97,21% (tương đương 9.721 người) đánh giá thật sự dân chủ, chỉ có 2,79% cho rằng chưa thật sự dân chủ. Điều đó cho thấy, trong thời gian qua, các địa phương đã làm tốt các bước để tiến tới cuộc bầu cử và công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử được thực hiện hiệu quả.
Cử tri huyện Chư Prông tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 1. Ảnh: Anh Huy
Cử tri huyện Chư Prông tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 1. Ảnh: Anh Huy
Về thông tin cử tri quan tâm trước khi bầu cử, có 90,52% số người trả lời thông tin mà họ quan tâm nhất trước khi quyết định bầu ai và không bầu cho ai trong cuộc bầu cử này là tiêu chuẩn của đại biểu. Có 87,71% chọn lĩnh vực đạo đức, năng lực, phong cách làm việc của các ứng cử viên. 80,38% chọn vị trí công tác hiện nay, uy tín, thành tích của các ứng cử viên đã đạt được thời gian qua. 73,94% chọn lý lịch trích ngang niêm yết công khai của các ứng cử viên. 61,52% quan tâm đến chương trình hành động của các ứng cử viên và 60,38% chọn yêu cầu về cơ cấu (lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo...). Đáng lưu ý là có 23,14% số người được hỏi chọn phương án gạch ngẫu nhiên theo thứ tự tên trong phiếu bầu; chọn theo cảm tính hoặc chỉ quan tâm hình ảnh, giới tính của các ứng viên.
Đặc biệt, có 82,82% số người cho rằng điều kỳ vọng, mong muốn và gửi gắm lớn nhất là các đại biểu luôn liên hệ mật thiết với quần chúng, lắng nghe ý kiến của người dân, kịp thời tổng hợp và phản ánh đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri với các cấp có thẩm quyền. Đồng thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tình hình giải quyết những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Có 78,37% người được hỏi mong muốn các đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tình hình giải quyết những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Các đại biểu cần tăng cường đối thoại 2 chiều, tăng số lần tiếp xúc, thời lượng tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND với cử tri ở cơ sở để lắng nghe ý kiến của người dân, đồng thời trao đổi kết quả hoạt động để cử tri giám sát (69,11%). Các đại biểu phải có hành động cụ thể để thực hiện các cam kết, lời hứa mà mình đã đưa ra khi vận động bầu cử; có bản lĩnh, dũng khí, dám thể hiện chính kiến tại diễn đàn Quốc hội, HĐND các cấp (61,27%).
Cử tri mong muốn các đại biểu phải luôn đem hết khả năng và tâm huyết để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; thể hiện rõ trách nhiệm của mình đối với các vấn đề mà cử tri quan tâm (61,04%). Đại biểu đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoạch định những chủ trương, chính sách tạo đà cho đất nước, địa phương phát triển nhanh và bền vững (58,91%) và các đại biểu phát huy tinh thần, trách nhiệm, vào cuộc tích cực, giúp người dân giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc, kiến nghị, góp phần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, hạn chế phức tạp nảy sinh ở cơ sở (57,23%).
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri mong muốn Quốc hội và HĐND các cấp cần chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và từng đại biểu nói riêng. Trong đó, chú ý hướng đến việc chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp cơ sở.
Đối với các cơ quan chuyên trách của Quốc hội và HĐND các cấp, cử tri đề nghị cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống website, cổng thông tin điện tử, sử dụng mạng xã hội, để sau khi ứng viên được bầu, cần thường xuyên thông tin cập nhật, phản ánh hoạt động của đại biểu, đoàn đại biểu trong diễn đàn Quốc hội, HĐND các cấp, nhất là việc thực hiện các cam kết, lời hứa mà mình đã đưa ra khi vận động bầu cử, trách nhiệm của ứng viên trong xây dựng và hoạch định những chủ trương, chính sách tạo đà cho đất nước, địa phương phát triển nhanh và bền vững, giải quyết các vấn đề mà cử tri quan tâm. 
TỐNG THỚI MỐC