Bạn đọc

Kết quả xét nghiệm mẫu nước sông Ba: Nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên quan tới vụ việc nước thải trang trại chăn nuôi bò của Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (xã Thành An, thị xã An Khê) gây ô nhiễm dòng sông Ba, kết quả kiểm nghiệm do Trung tâm Kỹ thuật Quan trắc Môi trường thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất thực hiện dựa trên các mẫu nước lấy tại 4 điểm của sông Ba khẳng định: Nhiều thông số trong các mẫu nước này vượt gấp nhiều lần ngưỡng cho phép và không thể đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra.

Công nhân Nhà máy nước An Khê phải liên tục hớt lớp váng nổi lên tại các bể lắng. Ảnh: Hải Lê

4 mẫu nước được lấy tại 4 điểm bao gồm: suối Ngang thuộc xã Thành An, thị xã An Khê đoạn trước khi đổ ra sông Ba, tại sông Ba đoạn gần với suối Ngang, tại trạm bơm cấp I đầu vào của Nhà máy nước An Khê và tại đầu ra hệ thống xử lý nước của Nhà máy nước An Khê. Kết quả xét nghiệm cho thấy, hai chỉ tiêu vi sinh vật gây hại là Coliform và E. Coli vượt rất nhiều lần ngưỡng cho phép, thể hiện nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm phân. Điển hình mẫu nước được lấy tại suối Ngang đoạn trước khi đổ ra sông Ba-nơi đường mương dẫn nước thải từ hồ chứa chất thải của trại bò Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai chảy ra cho thấy, các thông số đều vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Mẫu nước khác được lấy tại vị trí sông Ba chưa bị nhiễm bẩn nguồn nước từ suối Ngang đối chiếu kết quả xét nghiệm với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt, cho thấy thông số nhu cầu oxy sinh học tại đây cũng vượt 2,8 lần. Hai thông số khá quan trọng là Coliform và E. Coli đáp ứng được yêu cầu sử dụng vào mục đích sinh hoạt.

 

Kết quả mẫu nước lấy tại trạm bơm cấp I đầu vào của Nhà máy nước An Khê đối chiếu với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt: Độ màu 28,8 Pt-Co (vượt 1,92 lần), độ đục 9 NTU (vượt 1,8 lần), Coliform 1.100 CFU/100 ml (vượt 22 lần), E. Coli xuất hiện 430 đơn vị lạc khuẩn/100 ml nước. Kết quả xét nghiệm mẫu nước được lấy tại đầu ra hệ thống xử lý nước của Nhà máy nước An Khê cũng cho thấy: độ đục vượt 1,4 lần, chỉ số Pecmanganat (ô nhiễm các chất hữu cơ) vượt 19,1 lần, Coliform vượt 186 lần, E. Coli xuất hiện 1.100 đơn vị lạc khuẩn/100 ml nước…

2 mẫu nước được lấy tại trạm bơm cấp I đầu vào và đầu ra của Nhà máy nước An Khê, đối chiếu với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt đều không đạt chuẩn. Báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã An Khê thể hiện rõ: “E. Coli còn được gọi là vi khuẩn đại tràng. Sự có mặt của E. Coli trong nước là một chỉ thị thường gặp trong ô nhiễm phân”. Đồng thời cũng nêu rõ, nước không đạt tiêu chuẩn để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vì chủng E. Coli xuất hiện rất nhiều, gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân. Nếu không khắc phục có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Theo giải thích của đại diện Nhà máy nước An Khê, vì thời gian lưu nước trong hệ thống xử lý chỉ khoảng 1-2 tiếng đồng hồ nên chỉ tiêu về vi sinh vật vượt so với đầu vào tại trạm bơm cấp I. Đặc biệt, tại hệ thống xử lý nước có rất nhiều váng nổi lớn nghi là do phân bò gây nên làm cho hệ thống xử lý xuất hiện nhiều chủng vi sinh vật có hại, đặc biệt là E. Coli. Bên cạnh đó, Nhà máy nước An Khê được xây dựng từ những năm 1995 nên hệ thống máy móc, thiết bị đã quá cũ và xuống cấp, công nghệ xử lý lạc hậu nên việc xử lý nước càng bị hạn chế rất nhiều.

Trước thực trạng nước sông Ba ô nhiễm nặng nề, Ban Quản lý Nhà máy nước An Khê đã phải tăng gấp 5-6 lần lượng hóa chất xử lý nước (bao gồm phèn chua, bột clo) để có thể đảm bảo tốt nhất cho việc lọc, cung cấp nước cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, nước sông ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, công nghệ xử lý nước đã quá lạc hậu, liệu rằng, cuộc sống của hơn 2.000 hộ dân thị xã An Khê đang sử dụng thường xuyên nguồn nước của nhà máy cũng như hàng ngàn hộ dân khác lâu nay sinh sống gắn bó với con sông Ba sẽ ra sao?

 Hải Lê

Có thể bạn quan tâm