Kinh tế

Kết thúc phần tranh tụng vụ kiện tôm VN tại WTO

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sĩ.
Trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sĩ.
Phiên xét xử lần thứ hai vụ Việt Nam kiện Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam kết thúc chiều ngày 15-12 sau hai ngày làm việc tại trụ sở của Tổ chức thương mại thế giới WTO ở Gevena, Thụy Sĩ. Như vậy phần tranh tụng của vụ kiện tôm đã kết thúc.

Trong hai ngày làm việc vừa qua, hai bên tiếp tục trình bày bằng văn bản và tranh cãi bảo vệ lý lẽ của mình trước ban hội thẩm. Các chứng cứ và lập luận pháp lý của Việt Nam tập trung phản đối Mỹ áp dụng cách tính “quy về không”, một thông lệ được Mỹ sử dụng thường xuyên trong nhiều vụ kiện chống phá giá. Phương pháp này tạo ra biên độ phá giá lớn cho sản phẩm, làm mức thuế bị đội lên, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Việt Nam cũng nhấn mạnh quy tắc “thuế suất toàn quốc” mà Hoa Kỳ áp dụng trong quá trình rà soát lại thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam là trái với tinh thần và lời lẽ của Hiệp định chống bán phá giá và Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam.

Bà Trần Thị Thu Hằng, Tham tán công sứ/phó trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các Tổ chức quốc tế khác ở Geneva cho biết báo cáo cuối cùng với kết luận của Ban hội thẩm sẽ có trong tháng 4-2011. Tháng Giêng và tháng Hai tới, ban hội thẩm sẽ lần lượt ra các báo cáo tường trình vụ kiện gửi tới hai bên.

Mỹ là nước có nhiều kinh nghiệm khởi kiện và đối phó với khởi kiện. Theo tinh thần của đoàn Việt Nam tham gia vụ kiện tôm tại WTO, Việt Nam đang thực hiện các bước của vụ kiện tôm một cách thận trọng, đúng nguyên tắc, đảm bảo quyền của một thành viên WTO.

Theo Hiệp hội các nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các luật sư tư vấn, nếu Việt Nam thắng kiện sẽ đem lại lợi ích to lớn cho khả năng cạnh tranh của  tôm đông lạnh Việt Nam trên thị trường Mỹ do không phải đặt  cọc tiền chống bán phá giá, và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ thoát hoàn toàn khỏi thuế chống bán phá giá do 3 lần rà soát liên tục có kết quả 0%.

Từ khi gia nhập WTO, tháng 1-2007 đến nay, đây là lần đầu tiên Việt Nam khởi xướng vụ kiện tranh chấp thương mại giữa hai nước thành viên WTO, sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp trong WTO như một công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp nước thành viên.

Theo VASEP, trong mười tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 200.000 tấn tôm trị giá 1,7 tỷ USD. Năm 2009,  mặt hàng xuất khẩu này đã đem lại cho Việt Nam 1,5 tỷ USD.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm