Kinh tế

Kết thúc thành công giai đoạn thí điểm xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hội nghị ngày 13-1 tại Hà Nội tổng kết chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới giai đoạn 2009-2011 đánh giá giai đoạn thí điểm đã kết thúc thành công.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình thí điểm mô hình nông thôn mới Trung ương Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình thí điểm mô hình nông thôn mới Trung ương Ngô Văn Dụ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Vũ Văn Ninh và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển toàn diện kinh tế, xã hội nông thôn, không phải là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

Cơ bản đạt được các mục tiêu

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của  Đảng được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xác định xây dựng nông thôn mới là vấn đề lớn, khó khăn, trước khi làm trên diện rộng, Bộ Chính trị đã giao Ban Bí thư chỉ đạo làm thí điểm. Ban Bí thư chọn 11 xã ở các vùng với các điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau để xây dựng thí điểm.

Theo Báo cáo tổng kết, 3 năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Quản lý các xã điểm với ý thức trách nhiệm cao đã hoạt động rất năng động, sáng tạo, với sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là của hệ thống chính trị và nhân dân của các xã điểm.

Rút kinh nghiệm sau những lúng túng ban đầu và với các văn bản hướng dẫn, công tác quy hoạch, xây dựng đã được triển khai tốt hơn, nhanh hơn, chi phí thấp hơn. Nhân dân nhiều xã hiến đất, góp công sức và giám sát việc xây dựng.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Thay vì tập trung vào xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trong thời gian đầu triển khai, hiện tại các địa phương đã chuyển trọng tâm sang phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và phát triển văn hóa, xã hội với nhiều cách làm sáng tạo, nhiều mô hình sản xuất mới, có hiệu quả.

Về huy động nguồn vốn, ban đầu một số xã còn trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, càng về sau càng năng động, khai thác, huy động các nguồn lực khác như lồng ghép các chương trình trên địa bàn, liên kết với các doanh nghiệp, và nhất là vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất (vốn tín dụng chiếm tỷ trọng ngày càng cao). Tổng số vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới ở 11 xã là hơn 2.500 tỷ đồng, nhưng vốn hỗ trợ trực tiếp của ngân sách Trung ương chỉ chiếm 11,9%.

Sau 3 năm thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới, về cơ bản, những mục tiêu do Ban Bí thư đề ra đã đạt được, bước đầu hình thành được mô hình nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia. Trên thực tế, 9/11 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí, còn 2 xã Thanh Chăn (Điện Biên), Định Hòa (Kiên Giang) còn nhiều tiêu chí chưa đạt.

Đây là những cơ sở cho thấy việc nhân rộng xây dựng nông thôn mới ra các địa phương khác trên cả nước là khả thi.

Điều chỉnh những vướng mắc trước khi nhân rộng

Báo cáo đánh giá thực hiện thí điểm cũng đã chỉ ra những nội dung còn chưa được thực hiện hoàn chỉnh hoặc chưa bền vững. Một số nội dung trong chương trình triển khai còn chậm, giai đoạn đầu một số cơ sở còn lúng túng, chưa quán triệt đúng yêu cầu của chương trình, còn trông chờ vào ngân sách Trung ương, việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân địa phương tham gia còn chưa được quy chế hóa.

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang đã đúc rút, nhấn mạnh những vấn đề cần được điều chỉnh cho phù hợp khi triển khai nhân rộng.

Đồng chí nhấn mạnh, thực tế triển khai cho thấy  một số tiêu chí nông thôn mới cần được hướng dẫn cụ thể hơn hoặc cần phải được nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung. Ví dụ, chỉ tiêu về kiên cố hoá kênh mương, đường nội đồng nếu thực hiện chung theo một chuẩn trên toàn quốc là không khả thi do có sự khác biệt rõ ràng về đặc điểm giữa các vùng, miền trên cả nước. Về chỉ tiêu nâng cao thu nhập bằng 1,4-1,5 lần thu nhập trong vùng, Chủ tịch nước cho rằng thực tế rất khó đề ra chuẩn mực so sánh và triển khai thực hiện, nhất là khi triển khai trên diện rộng.

Đối với chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng cần linh hoạt theo hướng phát huy lợi thế riêng của địa phương, phát triển quy hoạch kinh tế theo vùng, liên xã...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng lưu ý cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt đúng các quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư về xây dựng nông thôn mới, “xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển toàn diện kinh tế, xã hội nông thôn, không phải là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; nhân dân địa phương phải là chủ, làm chủ, phát huy nội lực là chính, nhà nước hỗ trợ, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; có cách làm sáng tạo, phù hợp với địa phương, không trông chờ, ỷ lại, nhưng không nóng vội, chạy theo thành tích”.

Về đa dạng hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước cho rằng hỗ trợ trực tiếp của ngân sách Trung ương là cần thiết để tạo đà, tạo niềm tin để nhân dân tham gia, thu hút các nguồn lực khác, tuy vậy cũng cần đặc biệt quan tâm thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và vai trò của vốn tín dụng. Đồng thời, phải có cơ chế, chính sách đặc thù cho chương trình nông thôn mới về lập, thẩm định, phê duyệt dự án, giải ngân, quyết toán kinh phí... để xã có thể làm chủ các dự án, nhân dân tham gia có việc làm, có thu nhập, xã có công trình.

Chủ tịch nước cũng đề nghị trong thời gian chờ đợi kết luận của Ban Bí thư, các Tỉnh ủy, Thành ủy tiếp tục chỉ đạo để hoàn thiện mô hình nông thôn mới ở các xã điểm. Từ kết quả chương trình thí điểm, các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn việc thực hiện các tiêu chí, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí cho phù hợp với thực tiễn các vùng, các địa phương; hoàn thiện cơ chế, chính sách, và thể chế (văn bản pháp quy), hướng dẫn về phương pháp, cách làm giúp Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia có thể nhân ra diện rộng.

Tại Hội nghị Tổng kết, 10 tập thể và  14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm