Chính trị

Tin tức

Khắc phục những hạn chế và yếu kém trong công tác quy hoạch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 21-11, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật quy hoạch.

Chưa thống nhất về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật

Các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch thời gian qua, bảo đảm tính pháp lý cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội về dự án Luật quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội về dự án Luật quy hoạch.

Đồng thời, một số ý kiến nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng dự án Luật này cần đáp ứng yêu cầu: tạo sự thống nhất của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nhiều ý kiến thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, theo đó, Luật quy định về hoạt động quy hoạch, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, các đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng dự án Luật được thiết kế theo hướng luật khung để điều chỉnh hoạt động toàn bộ các quy hoạch, đồng thời vừa có các nội dung để quy định các quy hoạch, quyền nghĩa vụ của các đối tượng tham gia hoạt động quy hoạch... là quá rộng.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân phân tích với kỳ vọng có một Luật với tầm bao quát, điều chỉnh cho mọi đối tượng là không khả thi, khó chế định được các nội dung một cách đầy đủ, rõ ràng. Cần xác định đây là hoạt động quy hoạch công do nhà nước thống nhất thực hiện, quản lý.

Nếu theo thống kê hiện nay có gần 20.000 bản quy hoạch, việc rà soát, thẩm định lại hiệu lực, tiến độ triển khai, sự tương thích giữa quy hoạch chi tiết với các quy hoạch cấp trên, sau đó phân loại, chuẩn hóa để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia là việc làm vô cùng phức tạp, tốn rất nhiều thời gian; không có Hội đồng hoặc một cơ quan chức năng nào có đủ năng lực để thẩm định các quy hoạch này.

Đại biểu nêu rõ không nên ôm đồm mà cần có giới hạn phân định để lập danh mục các đối tượng quy hoạch, đối tượng nào bắt buộc phải làm quy hoạch; còn lại có thể lập các Đề án, Kế hoạch xây dựng các tiêu chuẩn, điều kiện để làm căn cứ thực hiện mà không cần phải lập quy hoạch.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị cần xác định lại phạm vi điều chỉnh, bởi tên của Luật và phạm vi đều chỉnh chưa phù hợp với nhau. Phạm vi điều chỉnh được quy định là nhằm đều chỉnh hoạt động quy hoạch nhưng nhưng không rõ là hoạt động quy hoạch gì. Quy hoạch theo quy định của dự án Luật là xác định không gian phát triển của Việt Nam ở ba vùng: đất, trời và biển. Luật điều chỉnh cả 3 vấn đề đó hay chỉ quy định về đất là chưa rõ. Ban soạn thảo phải trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc để xây dựng quy hoạch.

Quy hoạch để kiến tạo phát triển kinh tế

Để quy hoạch thực sự kiến tạo phát triển kinh tế, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) kiến nghị xây dựng Luật quy hoạch chiến lược hợp nhất, bao gồm: các quy hoạch kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đô thị để tìm tiếng nói chung, đảm bảo yêu cầu sống công bằng, tốt và vền vững.

Theo đại biểu, quy hoạch chiến lược hợp so với quy hoạch truyền thống có những điểm mới là mang tính chiến lược thay vì toàn diện, linh hoạt thay vì cứng nhắc mang tính hành động thay vì lý thuyết, có sự tham gia rộng rãi cộng đồng các bên liên quan, tầm nhìn dài hạn thay vì nhiệm kỳ, kiến tạo hình thức đô thị mới, thân thiện môi trường, bảo vệ tài nguyên, nâng cao chất lượng sống.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có sản phẩm quy hoạch duy nhất bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chi tiết. Vì hiện nay đang tồn tại 2 loại quy hoạch có giá trị như nhau là quy hoạch sử dụng đất do ngành tài nguyên lập và Quy hoạch xây dựng do ngành xây dựng lập, dẫn đến trong quá trình triển khai 2 quy hoạch này có những điểm khác nhau gây khó khăn cho việc lựa chọn quy hoạch làm căn cứ giao đất, cho thuê đất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và nhiều khi dẫn đến hệ lụy khiếu nại của dân.

Cùng ý kiến, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhấn mạnh các quy định liên quan đến quy hoạch, nhất là căn cứ quy hoạch, nội dung quy hoạch phải thể hiện rõ ràng trong Luật. Trong đó, thể hiện rõ quan điểm quy hoạch không dừng lại ở việc chỉ sử dụng đất đai, tài nguyên mà cần tính toán và sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực, tài lực khác; các yếu tố văn hóa truyền thống, đặc điểm dân cư phải được phân tích, cân nhắc kỹ khi lập quy hoạch.

Ban soạn thảo cần thể hiện rõ hơn phương án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống quy hoạch theo hướng tích hợp liên ngành để đạt được nhiều hơn các quy định đề ra và nguyên tắc cải cách hệ thống quy hoạch.

Cần nghiên cứu sâu, hình thành các quy định về cơ quan có trách nhiệm về quản lý nhà nước lập và tổ chức quy hoạch vùng lãnh thổ khi vùng này không có cơ cấu tổ chức quản lý như một đơn vị hành chính, nhất là ở khâu tổ chức thực hiện. Nếu không làm tốt việc này dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy, bất hợp tác mạnh ai nấy làm trong quá trình các địa phương thực hiện quy hoạch vùng - đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Tạo quy hoạch thống nhất từ Trung ương đến địa phương

Nhiều đại biểu cho rằng công tác quy hoạch là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển đất nước, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, thể hiện cả nội dung xây dựng, quản lý thực hiện quy hoạch.

Tuy nhiên, nội dung của dự án Luật nghiêng nhiều về quản lý quy hoạch, vì vậy Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ về nguyên tắc, trình tự, tổ chức và thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) nêu ý kiến Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các nguyên tắc để bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, khả thi của hoạt động quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch thường xuyên thay đổi phá vỡ quy hoạch như thời gian qua.

Đồng thời, cần bổ sung nguyên tắc quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương nhưng không làm gia tăng sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng và các địa phương.

Đại biểu đề nghị cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành; tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh; bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch.

Liên quan đến quy định về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, đại biểu Phạm Trọng Nhân tán thành với quan điểm, việc quy hoạch cần lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước; quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên. Bởi, một trong những nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia là xác định danh mục dự án quan trọng quốc gia, vì vậy, danh mục dự án quan trọng quốc gia quy định tại các quy hoạch ngành cũng phải được xác định phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia do Quốc hội quyết định.

Chung quan điểm, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) chỉ rõ quy định quy hoạch được tạo lập theo thứ tự từ trên xuống dưới nếu được thực hiện sẽ tạo thành sự thống nhất trong quy hoạch, tránh sự chồng chéo, lãng phí trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, hạn chế tình trạng manh mún, chắp vá, tạo cho đất nước một bộ mặt khang trang, đồng bộ. Để làm được điều này, cần bảo đảm nguyên tắc quy hoạch cấp trên phải có trước quy hoạch cấp dưới, đặc biệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch gốc phải được làm trước, có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của Chính phủ với tư cách là cơ quan quản trị quốc gia đối với tương lai phát triển của đất nước, đúng với tinh thần Chính phủ kiến tạo.

Bên cạnh đó, đại biểu nhận định cần mạnh dạn quy định một cách dứt khoát: khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thì chưa được lập quy hoạch ngành, vùng, địa phương và ngược lại, muốn điều chỉnh quy hoạch ngành, vùng, địa phương phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy định như vậy vừa bảo đảm tính nghiêm minh trong quản lý quy hoạch, vừa tránh tình trạng quy hoạch tổng thể quốc gia ''chạy'' theo quy hoạch ngành, vùng, địa phương như đã diễn ra từ lâu khi các tỉnh đua nhau xây dựng khu công nghiệp trước khi có quy hoạch, làm quy hoạch khu sinh thái, nghĩ dưỡng trên biển trước khi có quy hoạch tổng thể các khu sinh thái, nghỉ dưỡng...

Đối với nội dung ''quy hoạch cấp dưới được lập trước khi có quy hoạch cấp trên thì quy hoạch cấp trên phải kế thừa những nội dung phù hợp của quy hoạch cấp dưới sau khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt, quy hoạch cấp dưới phải được rà soát điều chỉnh cho phù hợp với quy định của cấp trên'' đại biểu cho rằng quy định này chỉ nên áp dụng đối với các quy hoạch được phê duyệt trước khi Luật có hiệu lực. Sau khi Luật có hiệu lực, phải tuân thủ nguyên tắc, tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm'' như hiện nay - đại biểu nói.

Cũng trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch; về kinh phí cho hoạt động quy hoạch; chính sách của Nhà nước về hoạt động quy hoạch.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm