TN - Đất & Người

Khai mạc Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột: Tinh hoa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong những ngày tham dự lễ hội, các đại biểu, du khách sẽ được đắm mình trong hương sắc càphê, hòa mình vào những lễ hội truyền thống độc đáo trong thời khắc đẹp nhất của tháng Ba Tây Nguyên.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu khai mạc buổi lễ. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu khai mạc buổi lễ. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Tối 9/3, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” đã khai mạc tại Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tham dự có ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các đại sứ, tổng lãnh sự các nước; lãnh đạo các địa phương cùng đông đảo đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh từ lâu, Đắk Lắk đã nổi tiếng với vùng đất đỏ bazan trù phú, nơi đồn điền cao su, càphê bạt ngàn và được mệnh danh là thủ phủ càphê của Việt Nam.
Sản phẩm càphê của tỉnh Đắk Lắk, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột nổi tiếng đã có mặt ở hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần lớn vào tổng giá trị xuất khẩu càphê của cả nước, góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu càphê của Việt Nam năm 2018 lên gần 1,9 triệu tấn, với doanh thu hơn 3,5 tỷ USD.
Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm (2016-2020), năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm có nhiều thời cơ thuận lợi do công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Phương châm hành động của Chính phủ đề ra cho năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả." Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và cần có các giải pháp thực sự bứt phá và hiệu quả hơn để hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra năm 2019 và Kế hoạch 5 năm (2016-2020).
Để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung và ngành càphê nói riêng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Đắk Lắk, các tỉnh có trồng càphê rà soát tổng thể việc phát triển ngành càphê cho phù hợp với xu thế thị trường thế giới và bảo đảm các điều kiện sản xuất bền vững, đẩy mạnh cơ cấu lại cho ngành càphê theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh cần khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân vào tái canh càphê, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển càphê đặc sản Việt Nam với tính chất là càphê cao cấp có hương vị đặc biệt được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu, xu thế tiêu thụ của thế giới và gia tăng giá trị cho cây càphê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân trồng càphê.
Cùng với đó, tỉnh cần tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại.
Các tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Các tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Để vươn tới mục tiêu đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến của càphê thế giới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh phải chú trọng nâng cao thực lực, làm tốt công tác truyền thông, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường kết nối với bạn bè trên thế giới để phát triển kinh tế-xã hội, gắn với thu hút nhiều hơn nữa ngày càng nhiều người yêu càphê, những chuyên gia, các nhà sản suất và chế biến càphê đến với vùng đất tinh hoa đại ngàn này để Đắk Lắk trở thành một thế giới càphê.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ cho các tỉnh về nghiên cứu khoa học, tạo cơ chế chính sách cho người trồng càphê và sản phẩm càphê; Hiệp hội càphê-Ca cao Việt Nam cần phát huy vai trò là cầu nối để các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm cho cây càphê, sản phẩm càphê phát triển ổn định, bền vững, tạo ra nhiều thương hiệu lớn có uy tín cao và cạnh tranh lành mạnh mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho các địa phương và cả nước.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, với diện tích càphê hơn hai trăm ngàn hécta và sản lượng thu hoạch hàng năm trên bốn trăm sáu mươi ngàn tấn, Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ càphê.
Được sự đồng ý của Chính phủ, Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột - ngày hội vinh danh ngành càphê Việt Nam đã trở thành Lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần.
Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế thương hiệu càphê Việt Nam trên thị trường thế giới; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh càphê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa càphê trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đặc biệt, điểm mới của Lễ hội lần này là chú trọng quảng bá phát triển càphê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trở thành điểm đến của càphê thế giới.
Cùng với đó, với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, vị trí, lao động và môi trường đầu tư…, Đắk Lắk chào đón các đại biểu, các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng đến với Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019 để cùng gặp gỡ, thảo luận về chính sách, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.
Trong những ngày tham dự Lễ hội, các đại biểu, du khách sẽ có những phút giây trải nghiệm thú vị, được đắm mình trong hương sắc càphê, hòa mình vào những lễ hội truyền thống độc đáo trong thời khắc đẹp nhất của tháng Ba Tây Nguyên. Đắk Lắk làm say lòng người bởi “cái nắng, cái gió," bởi men say rượu cần và lòng mến khách.
Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 sẽ bế mạc vào ngày 16/3/2019.
Anh Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm