Chính trị

Tin tức

Khai mạc phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Sáng 15-5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ khai mạc phiên họp thứ 10 với nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, dự kiến khai mạc vào ngày 22-5 tới.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, diễn ra từ nay đến ngày 17/5, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai những tháng đầu năm nay; thảo luận (lần 2) về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 3) dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.

Đồng thời, cho ý kiến về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh (Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam).

Sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai những tháng đầu năm nay.

Cơ bản tán thành với kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm như báo cáo Chính phủ nêu, song nhiều ý kiến đánh giá kinh tế xã hội nước ta vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Cụ thể tăng trưởng quý 1 năm nay ước tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế thì mục tiêu này rất khó thực hiện. Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phân tích: "Số doanh nghiệp thành lập mới của chúng ta tương đối nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Trong đó doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn nhưng đóng góp cho ngân sách nhà nước còn hạn chế. Trong đó có lý do là đối tượng này được ưu đãi nhiều. Trong khi doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận các nguồn ưu đãi".

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần có đánh giá kĩ thêm để làm cho rõ, để có đòn bẩy, trong đó cần tập trung ra sao đối với doanh nghiệp trong nước để góp phần tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp này trong những tháng còn lại của năm 2017 và những năm tiếp theo.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách...

Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm