Những tranh luận nảy lửa cuối cùng có vẻ đã lắng xuống. Bô- xít Tây Nguyên rồi cũng sẽ được khai thác để phục vụ lợi ích con người. Song những băn khoăn, mà nhất là người dân trong vùng dự án, vẫn còn nhiều điều đáng nói. Có mặt tại xã Nhân Cơ huyện Đak R’Lấp tỉnh Đak Nông, chúng tôi ghi lại sau đây những gì đang diễn ra trên vùng đất này…
“Giải tỏa” những nghi ngại…
Lãnh đạo huyện Đak R’Lấp dẫn chúng tôi đi xem những ngọn đồi, nơi mà trong tương lai Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ- TKV (VNAC) sẽ khai thác bô- xít. Một điều dễ nhận ra là hầu hết những khu vực này đồi trọc hoặc cây cối cằn cỗi. Theo ông Phạm Đình Tuấn- Chủ tịch UBND huyện Đak R’Lấp thì: “Những vùng này năng suất cà phê chỉ đạt cao nhất là 2,1 tấn/ha, bằng một nửa so với các vùng khác. Với mức thu nhập này lâu nay người dân vẫn luôn trong cảnh thiếu thốn. Đặc biệt đối với những vùng có quặng bô-xít lộ thiên thì đất gần như bỏ hoang”. Còn theo lãnh đạo VNAC thì vỉa quặng ở đây có độ dày phổ biến từ 2 đến 10 mét và nằm cách mặt đất từ 0,2 đến 1,5 mét. Vì vậy công việc khai thác hết sức đơn giản và việc hoàn thổ cũng không mấy khó khăn. Để khai thác quặng, họ sẽ bóc lớp đất mặt để sang một bên. Sau khi lấy hết quặng sẽ dùng lớp đất này lấp lại chỗ cũ. Lúc này đất đã được xáo kỹ lại không còn quặng, cây trồng nhất định sẽ tốt hơn. Mặc khác, sau khi hoàn thổ, trả lại đất cho dân, chủ đầu tư sẽ đầu tư một lượng phân hữu cơ, phân vi sinh nhất định để “bồi bổ” cho đất (hoặc trả khoản tiền “bồi bổ” đất cho dân).
Hiện trường chuẩn bị khai thác bô-xít |
Lợi ích đã rõ…
Theo VNAC, toàn bộ lao động của nhà máy dự kiến từ 1.600- 1.700 người. Theo đó, VNAC sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ. Đối tượng được ưu tiên lần lượt là: Con em các gia đình có đất bị thu hồi, con em gia đình chính sách, con em đồng bào dân tộc thiểu số và con em đồng bào sinh sống tại Đak Nông. Để phục vu lâu dài cho dự án, đáp ứng yêu cầu về nhân lực, VNAC đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc- TKV tuyển dụng, đào tạo công nhân đợt 1 được 352 em (trong đó có 12 em là đồng bào dân tộc thiểu số). Đồng thời, VNAC đang tiến hành xét tuyển đợt 2, dự kiến là 450 em (trong đó ưu tiên sẽ có khoảng 70 em là đồng bào dân tộc thiểu số). Ngoài ra, VNAC đã tuyển được gần 70 học sinh thi đỗ đại học (chủ yếu trên địa bàn Đak Nông) cho đi học chuyên ngành luyện kim- alumin tại Trung Quốc và một số nước tiên tiến khác để sau này về quản lý, vận hành nhà máy.
Cùng với việc chú trọng đào tạo lao động tại chỗ, VNAC rất quan tâm đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án. Trong đó, công tác đền bù, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng được VNAC đặc biệt quan tâm. Khu tái định canh, định cư với quy mô 110 ha (trong đó có 15 ha dành cho tái định cư) đang được chuẩn bị xây dựng. Ngoài ra, VNAC đã xây dựng 20 ngôi nhà tạm cư và tái định cư cho dự án. Riêng với hai buôn đồng bào dân tộc thiểu số là Bu Dấp (xã Nhân Cơ) và Pi Nao (xã Nhân Đạo) (đều thuộc huyện Đak R’Lấp) VNAC đã và đang tài trợ ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nhà trẻ, trạm cấp nước... Tài trợ xây dựng một số trương tiểu học trong vùng cùng một số hoạt động tài trợ khác cho giáo dục địa phương. Ông Lâm Trí Hy- Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ cho biết: “Với giá đền bù từ 105 đến 360 triệu đồng/ha thì người dân bị thu hồi đất dễ dàng mua được đất khác để canh tác. Tính đến nay, hầu hết họ đều tự nguyện giao đất, chưa có trường hợp nào khiếu kiện cũng như gây khó khăn cho dự án...
Có thể nói, việc tiến hành xây dựng nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đak Nông) đã và đang đi theo một chiều hướng tích cực. Song với những gì đang diễn ra, VNAC cũng cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng - nhất là vấn đề an sinh cho người dân trong vùng dự án.
Ngọc Tấn- Duy Hậu