Kinh tế

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế tư nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ngày càng đóng vai trò quan trọng khi chiếm 47% tổng nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế này trong thời gian tới, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá.
Phát triển mạnh về số lượng
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 49-CTr/TU chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh có 4.340 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ đề ra. Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 870 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân khoảng 6,5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 11-2022, toàn tỉnh có 8.525 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 133.480 tỷ đồng; 386 hợp tác xã (HTX), trong đó có 307 HTX nông nghiệp, 16 HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, 36 HTX giao thông vận tải, 8 HTX xây dựng, 13 HTX thương mại và 6 quỹ tín dụng nhân dân. Số hộ kinh doanh cũng tăng bình quân 11,1% trong giai đoạn 2017-2021.
Công nhân làm việc tại khu chế biến hạt dưa của Công ty TNHH một thành viên Thương mại-Dịch vụ Thái Sơn Tây Nguyên (Cụm Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku). Ảnh: Vũ Thảo
Công nhân làm việc tại khu chế biến hạt dưa của Công ty TNHH một thành viên Thương mại-Dịch vụ Thái Sơn Tây Nguyên (Cụm Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku). Ảnh: Vũ Thảo
Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế được quan tâm đầu tư, phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất kinh doanh. Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) hiện có 56 doanh nghiệp triển khai đầu tư 63 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.503 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư đã thực hiện 2.527 tỷ đồng, đạt 72,14%. Trong đó, 5 dự án FDI (chiếm 7,94% tổng dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp) với vốn đầu tư đăng ký 454,5 tỷ đồng (chiếm 12,97%) và vốn đầu tư thực hiện là 446,5 tỷ đồng (chiếm 17,7%). Các doanh nghiệp FDI hoạt động ổn định, có hiệu quả với dây chuyền công nghệ và thiết bị hiện đại, chăm lo tốt đời sống công nhân, đảm bảo môi trường và không ngừng mở rộng thêm lĩnh vực cũng như quy mô kinh doanh. Ngoài ra, Khu Công nghiệp Nam Pleiku với quy mô 191,6 ha đang triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút các dự án đầu tư. Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có 36 doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 556,6 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 242,85 tỷ đồng; bước đầu đã có 4 dự án đầu tư tại Khu Công nghiệp Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế, tỉnh đã triển khai có hiệu quả chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngày 5-10-2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 663/QĐ-UBND thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Để tìm kiếm, hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất, giới thiệu 1 cá nhân tham gia Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ II-2019; 4 dự án khởi nghiệp sáng tạo tham gia Techfest vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ năm 2019, trong đó, Dự án khởi nghiệp “Xe đẩy thu nhặt quả điều, gom lá cây trong vườn” đạt giải ba và được tham gia trình diễn tại sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam-Techfest 2019”; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các sự kiện (techdemo, techfest...) nhằm tìm kiếm công nghệ, hợp tác đầu tư, hỗ trợ kết nối các ý tưởng khởi nghiệp. Từ năm 2017 đến 2021, Gia Lai được Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét phê duyệt triển khai 11 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, trong đó, 4 dự án có doanh nghiệp tham gia. Tỉnh Đoàn cũng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” thu hút nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tham gia.
Nhà máy chế biến gỗ Nhất Huy 1 (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Nhà máy chế biến gỗ Nhất Huy 1 (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng về khoa học và công nghệ nhằm tăng cường hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp trong cả nước. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng và đưa “Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của tỉnh đi vào hoạt động tại địa chỉ: http://startup.gialai.gov.vn; hình thành và đưa vào hoạt động điểm kết nối cung cầu công nghệ, điểm tư vấn sở hữu trí tuệ; cung cấp thông tin công nghệ mới, sản phẩm mới, thông tin về thị trường, sở hữu trí tuệ; lắp đặt Trạm khai thác thông tin và Dịch vụ sở hữu công nghiệp (trạm IPPlatform) để phục vụ và hỗ trợ khai thác thông tin sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: “Thời gian qua, tỉnh cũng từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động đầu tư, kinh doanh. Triển khai thực hiện đúng và đầy đủ, công khai các quy định và rà soát hoàn thiện mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”, bộ thủ tục hành chính áp dụng tại tỉnh theo các quy định mới ban hành như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường... Tỉnh cũng đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng. Cán bộ thụ lý bộ phận đăng ký kinh doanh tích cực hướng dẫn doanh nghiệp và nhân viên bộ phận hành chính-kế toán của doanh nghiệp... triển khai đăng ký kinh doanh qua mạng tại nhà và tại nơi đăng ký kinh doanh. Nhờ đó, năm 2021, có 96,1% hồ sơ đăng ký qua mạng. Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đứng thứ 5/63 tỉnh, thành trong cả nước”. 
Trợ giúp đồng bộ, thiết thực
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển KTTN, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Đó là các địa phương chưa chủ động ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư các thiết chế, hạ tầng hỗ trợ, phần lớn phụ thuộc vào nguồn ngân sách của tỉnh. Số doanh nghiệp đang hoạt động thấp hơn so với số doanh nghiệp đăng ký thành lập, phần lớn là chủ thể KTTN hoạt động phi chính thức. Quy mô của các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ; thiếu doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; thiếu sự dẫn dắt của các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn. Đa số các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN đều gặp khó khăn về vốn, trên 90% cơ sở kinh doanh có vốn sở hữu dưới 10 tỷ đồng; năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng còn nhiều khó khăn do doanh nghiệp không có đủ tài sản để thế chấp. Năng lực tài chính yếu đã dẫn đến việc hạn chế khả năng đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Để tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN phát triển, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành đã có ý kiến đề xuất triển khai Công văn số 287-BC/TU ngày 24-10-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KTTN. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, các địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các hội doanh nhân tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh cho khu vực KTTN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và khu vực, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp đối với KTTN.
Khu CN Trà Đa (TP. Pleiku) đã thu hút được DN đến đầu tư với tỷ lệ lấp đầy 100%. Ảnh: Hà Duy
Khu CN Trà Đa (TP. Pleiku) đã thu hút được DN đến đầu tư với tỷ lệ lấp đầy 100%. Ảnh: Hà Duy
Trước đó, vào đầu tháng 2-2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững; nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hỗ trợ, tư vấn, quản lý về kinh doanh bền vững; hỗ trợ phát triển tối thiểu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Cùng với đó, sẽ có khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân được hỗ trợ kinh doanh bền vững, gồm: tư vấn, đào tạo; tìm kiếm, lựa chọn và chuyển giao công nghệ phù hợp; hỗ trợ chi phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư; hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ...
Theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan nhà nước thì các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý, hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý, đẩy mạnh hoạt động marketing, thực hành các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh cùng nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khác để nâng cao năng lực tự thân trong tình hình mới.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm