(GLO)- Việc phối hợp, gắn kết giữa chính quyền-doanh nghiệp-ngân hàng để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn vay là mục tiêu căn bản và lâu dài đối với sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Hiệu quả hỗ trợ càng rõ nét hơn khi đã có gần 50% số DN hoạt động được vay vốn ngân hàng trong thời gian qua…
Khai thông dòng vốn cho doanh nghiệp
Toàn tỉnh hiện có 3.600 DN đăng ký, trong đó khoảng 2.900 DN đang hoạt động sản xuất-kinh doanh trong các lĩnh vực. Đến nay đã có 1.400 DN (chiếm 48,3% trong tổng số DN hoạt động) đang có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn với dư nợ là 26.915 tỷ đồng (chiếm 42,9% tổng dư nợ toàn tỉnh); trong đó, dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa là 11.100 tỷ đồng. Nợ xấu của các DN là 148 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng dư nợ DN.
Thi công đập tràn công trình thủy điện Đak Ble (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: T.N |
Chỉ riêng chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, từ đầu chương trình đến nay doanh số cho vay lũy kế đã đạt 33.886 tỷ đồng, dư nợ hiện đạt 18.836 tỷ đồng. Với lượng vốn đã được giải ngân trong thời gian qua đã có hàng ngàn lượt DN được vay vốn duy trì hoạt động và phát triển trong điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn. “Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đã giúp ngân hàng khơi thông nguồn vốn hỗ trợ DN, dù còn một số vướng mắc, khó khăn DN kiến nghị song nó không mang tính phổ biến. Đây là một sự nỗ lực lớn nhằm tạo sự đồng thuận giữa hai bên trong việc cung ứng vốn cho các DN hoạt động”-bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh nhìn nhận.
Để hỗ trợ DN, tính đến cuối tháng 10-2016, các chi nhánh NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ cho 1.743 DN với dư nợ điều chỉnh 12.587 tỷ đồng; đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với số tiền 644 tỷ đồng… Bên cạnh đó, các NHTM còn triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho DN với lãi suất chỉ từ 5% đến 8,5%/năm.
Theo đánh giá của ngành Ngân hàng, các DN trên địa bàn chủ yếu là DN nhỏ và vừa, không ít DN có năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh thấp. Việc cho vay đối với các DN nhỏ và vừa chứa đựng nhiều rủi ro do DN dựa vào vốn vay là chủ yếu, nhất là khi tình hình hoạt động lại chưa khởi sắc, dẫn đến quy mô không tăng hoặc tăng chậm, ảnh hưởng đến việc trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, đứng về góc độ người vay, một số DN cho rằng trước tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, giá cả một số mặt hàng nông sản biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến các DN, đặc biệt là khả năng trả nợ ngân hàng. Để lấy lại thị trường và tốc độ phát triển, các DN rất cần vay vốn lãi suất ưu đãi để tranh thủ các cơ hội đầu tư mới.
Doanh nhgiệp cần sự bình đẳng
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: Tính từ đầu năm đến nay, số lượng DN trên địa bàn tăng khoảng 30% là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, so với quy mô các DN trên cả nước, tỉnh ta còn khá là khiêm tốn trong khi tiềm năng, cơ hội phát triển thì nhiều, dư địa phát triển còn rất lớn. DN phát triển lớn mạnh thì kinh tế của tỉnh mới đi lên. Hiện tỉnh đang dành nhiều ưu thế cũng như cơ chế rộng mở cho DN; quan trọng là ngân hàng phải tính toán để đầu tư cho thật hiệu quả. Các sở, ngành cũng phải vào cuộc tích cực, phải bám thực tiễn để biết cơ sở cần gì, muốn gì thì mới mong chính sách đi vào thực tế. Đặc biệt, ngành Ngân hàng phải là cầu nối, phải có mối quan hệ thật chặt, phải tìm hiểu thật chắc, cùng với các sở, ngành tham mưu và đề xuất cho tỉnh sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề cung ứng vốn vay cho DN để các bên cùng có tiếng nói chung. Nhà nước tạo điều kiện cho DN, nhưng bản thân mỗi DN phải tuân thủ luật pháp trong hoạt động sản xuất-kinh doanh; nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để đầu tư và phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm của Gia Lai gắn với chỉ dẫn địa lý. |
Từ chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, các NHTM đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN, đó cũng chính là yêu cầu cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho chính mình trong quá trình hoạt động, nhằm tạo sự phát triển ổn định, bền vững. Theo ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Chi nhánh Agribank Đông Gia Lai, hiện nay để hỗ trợ DN, Chi nhánh đang áp dụng gói lãi suất 5-7%/năm đối với ngắn hạn và 7-9%/năm đối với trung và dài hạn. Hiện doanh số cho vay đã đạt gần 300 tỷ đồng.
Ông Trương Vĩnh Minh-Giám đốc BIDV Gia Lai cho biết: Chi nhánh đang tập trung vào phân khúc khách hàng là DN nhỏ và vừa qua các gói lãi suất ưu đãi. Ngoài cho vay thế chấp, ngân hàng vẫn thực hiện cho vay tín chấp dựa trên cơ sở xếp hạng tín nhiệm, các phương án khả thi của DN… Hiện trung tâm nghiên cứu của BIDV đang xây dựng chiến lược đầu tư phát triển cây hồ tiêu tại Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai. Ngoài ra, BIDV Gia Lai đang thực hiện giãn nợ, kéo dài thời gian cho vay, giảm lãi suất cho vay đối với cây cao su; đang xây dựng chiến lược đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn…
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN tiếp tục sản xuất-kinh doanh hiệu quả, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai nhận định: Hiệu quả của chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đã có những bước chuyển rõ rệt, tạo sự gắn kết qua lại một cách bình đẳng giữa ngân hàng và DN. Các NHTM cam kết luôn xem DN là bạn đồng hành, bình đẳng trong quan hệ giao dịch, thường xuyên phối hợp với các sở, ngành để có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các chương trình tín dụng, như cho vay phát triển nông nghiệp-nông thôn, cho vay tái canh cà phê, cho vay theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh mở rộng đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên… Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương đã giải quyết được nhiều vướng mắc có liên quan đến việc đầu tư, sản xuất của DN.
Thảo Nguyên