Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Khai tử sóng di động 2G từ năm 2022, điện thoại "cục gạch" sắp hết thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G từ năm 2022.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng sóng di động 2G từ năm 2022. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành TT-TT ngày 28-12.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai từ năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE-A (4G) triển khai từ năm 2016. Bộ cũng dự kiến triển khai thương mại mạng 5G từ năm 2020.
 
Mạng di động 2G dự kiến sẽ ngừng hoạt động từ năm 2022 - Ảnh minh họa
Người đứng đầu Bộ TT-TT nhấn mạnh việc tắt sóng 2G và hỗ trợ 4G là một bước đi quan trọng của Việt Nam để hỗ trợ công dân, từng bước trở thành những công dân trong thời đại số với điện thoại thông minh.
Bộ TT-TT cho hay từ năm 2021, trên mạng viễn thông Việt Nam tồn tại đồng thời 4 công nghệ di động. Do đó, việc duy trì cùng lúc 4 công nghệ này bắt buộc các doanh nghiệp phải duy trì vận hành, khai thác 4 mạng di động riêng biệt, gây tốn kém, tài nguyên tần số bị chia nhỏ và doanh nghiệp không tập trung nguồn lực dể tham gia vào công nghệ di động mới.
"Việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, dành hạ tầng để phát triển các trạm phát sóng 5G"- báo cáo của Bộ TT-TT nêu rõ.
Trong năm 2020, Bộ TT-TT sẽ thúc đẩy quá trình thương mại hóa công nghệ 5G, đồng thời triển khai các biện pháp để giảm số thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trựo công nghệ 2G, chuẩn bị cho công tác tắt sóng 2G khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
2G là thế hệ mạng di động thứ 2. Công nghệ này có khả năng phủ sóng rộng khắp, giúp người dùng có thể sử dụng điện thoại để nghe, gọi. Tuy nhiên, công nghệ này không thể cho phép truyền dữ liệu ngoài thoại như tải dữ liệu, email, truy cập internet...
Tắt sóng 2G sẽ khiến cho đa số những chiếc điện thoại cơ bản, hay còn được gọi là điện thoại "cục gạch" phải ngừng hoạt động, không thể thực hiện các tác vụ cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin.
Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 125,8 triệu thuê bao di động, trong đó mạng di động 2G chiếm khoảng 50%.
Minh Chiến (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm