Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Khấm khá nhờ... rắn độc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.

Bởi lẽ, trước khi bắt tay thực hiện mô hình kinh tế này, anh đã đến nhiều địa phương để học hỏi, tìm hiểu tập quán sinh sống, cách sinh trưởng, nhân giống, chăm sóc, phòng bệnh lẫn biện pháp bảo vệ an toàn cho rắn hổ mang.

Ban đầu, anh Bình thả nuôi 70 con rắn hổ mang bố mẹ. Tuy nhiên, do anh chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi nên lượng rắn hao hụt lên đến trên 60%. Không nản chí, anh tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân để dần khắc phục. Trải qua nhiều lần thất bại, đúc kết được nhiều kinh nghiệm, rốt cuộc anh cũng hiểu rõ được quy trình nuôi cũng như cách chăm sóc loài động vật nguy hiểm này.

Anh Phan Thanh Bình hiểu rõ tập tính, thói quen của rắn hổ mang

Anh Phan Thanh Bình hiểu rõ tập tính, thói quen của rắn hổ mang

"Là rắn độc nhưng nếu biết thuần dưỡng và không chọc phá, đánh động, đuổi bắt thì hổ mang rất hiền lành. Ngoài ra, chế độ chăm sóc, cho chúng ăn phải hết sức chu đáo, đúng giờ, đúng ngày. Thức ăn của rắn hổ mang thường là gà, vịt con được nhổ lông thật sạch hoặc cá nguyên con" - anh Bình tiết lộ.

Bí quyết giúp anh Bình nuôi rắn hổ mang thành công chính là hiểu rõ tập tính, thói quen của loài này. Rắn hổ mang bố mẹ được nuôi riêng trong mỗi chuồng. Chuồng nuôi không cần ánh sáng, được rải ít đất để làm mát cho rắn. Sau khi thả vào phối giống xong thì thả mỗi con về chuồng riêng. Sau 30-40 ngày phối giống, rắn mẹ sẽ đẻ trứng. Trứng rắn được ủ dưới 2 lớp cát khoảng 60 ngày, sau đó sẽ nở ra rắn con.

Hiện nay, trại rắn của anh Bình sở hữu trên 1.000 con hổ mang bố mẹ, trên 1.000 con đang trong giai đoạn tăng trưởng và gần 3.000 con mới nở. Năm 2023, anh xuất bán trên 2 tấn rắn hổ mang thành phẩm với giá 650.000 - 750.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi gần 700 triệu đồng. Với rắn hổ mang giống, anh cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Theo kế hoạch, đến tháng 4-2024, anh sẽ bán khoảng 3.000 rắn giống với giá 120.000 - 150.000 đồng/con.

Ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, cho biết trại rắn của anh Bình luôn tuân thủ các quy định của nhà nước về việc chăn nuôi động vật hoang dã, như: đăng ký trang trại, ghi chép, báo cáo số lượng phát triển với các cơ quan chức năng... Trang trại được rào chắn rất an toàn, biệt lập, xa nơi đông dân. "Đây là mô hình làm kinh tế hiệu quả của địa phương, đem lại thu nhập cao" - ông Điền nhận xét.

Có thể bạn quan tâm