Núi rừng Tây Nguyên luôn ẩn chứa nhiều điều bí mật về lịch sử, văn hóa, con người… mà chúng ta chưa thể khám phá hết. Trong số vô vàn điều kỳ thú ở Tây Nguyên chắc hẳn không thể không nhắc đến cà phê. Với riêng người Ê Đê, uống càphê không chỉ là một thức uống thông thường mà nó còn là văn hóa, là sợi dây kết nối tinh thần giữa các thế hệ.
Nhiều người Ê Đê sớm xây dựng thương hiệu cà phê của riêng mình. |
Anh Y Pốt Niê (SN 1988, buôn Kala, xã Dray Sap, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) là một trong những người đưa thương hiệu cà phê của người Ê Đê đến rộng rãi bạn bè trong và ngoài nước. Ngay từ những ngày còn nhỏ, hình ảnh những rẫy cà phê xanh mướt, hay mỗi sớm mai bà con cùng nhau pha chế cà phê đã trở thành một thói quen không thể thiếu với Y Pốt và mọi người trong buôn làng.
Người Ê Đê xưa thường thực hiện theo công thức “3 chín” là hái chín, rang chín, hãm chín. |
Có lẽ cũng chính từ những ký ức ấy đã nuôi lớn Y Pốt và hun đúc cho anh một tình yêu mãnh liệt với quê hương, tình yêu với nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Sau bao năm lăn lội, đến nay Y Pốt đã tạo dựng riêng cho mình một thương hiệu cà phê của người Ê Đê.
Y Pốt là người đầu tiên đưa thương hiệu cà phê ra khắp nơi trên cả nước. |
Trong quá trình phát triển thương hiệu cà phê Ê Đê, Y Pốt mở ra một con đường riêng. Y Pốt lựa chọn cho mình các sản phẩm cà phê tự nhiên và thu hái, chế biến thủ công. Anh chia sẻ, cứ đến mùa thu hái cà phê, những người phụ nữ Ê Đê sẽ cùng nhau ra vườn thu hái những trái cà phê đỏ mọng trước khi phơi trước sân nhà.
Cà phê thu hái không được tiếp xúc với mặt đất mà được lót trên một tấm bạt, phơi vài ngày đượm nắng. Sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cà phê bắt đầu khô lại, rút nước và được mang đi xay xát, dùng cối đá đập dập lớp vỏ bên ngoài.
Người Ê Đê thường thu hái những hạt cà phê chín mọng để làm nguyên liệu. |
Tiếp theo đó, những cô gái Ê Đê sẽ rang cà phê lên một chảo lớn. Củi rang cà phê được lấy từ những gốc cà phê già cỗi, lửa liu riu tránh cháy hạt cà phê.
Cuối cùng sau khi hạt cà phê tỏa hương thơm ngát, người Ê Đê sẽ đóng vào bao lớn để ủ trong vài ngày trước khi sử dụng. Chính nhờ cách thu hái và xử lý thủ công nên cà phê Ê Đê của anh Y Pốt luôn có chỗ đứng nhất định trong lòng khách hàng.
Hình ảnh cà phê được người Ê Đê rang thủ công. |
Dịp Tết này, có dịp ghé thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, mọi người không chỉ được tận mắt tìm hiểu quy trình thu hái cà phê mà còn sẽ có cơ hội được một lần uống cà phê thứ thiệt của người dân bản địa. Thứ cà phê thơm ngon thuần khiết, hương vị đậm đà kích thích giác quan của bất cứ du khách khó tính nhất.
Theo những người lớn tuổi ở buôn Ma Thuột, thời xa xưa chưa có phin cà phê, bà con thường sử dụng một chiếc khăn thêu tay làm dụng cụ pha chế cà phê.
Theo đó, một lượng lớn cà phê được bọc trong khăn thêu và nhúng dưới nước sôi nhiều lần. Lượng cà phê chiết lọc ra sẽ được người Ê Đê sử dụng, nhấp nháp trong dịp sáng sớm hoặc trước buổi đi làm nương rẫy, sau một ngày lao động vất vả.
Còn gì tuyệt vời hơn khi một lần được đặt chân đến Buôn Ma Thuột và thưởng thức ly cà phê thứ thiệt của người Ê Đê. |
Ngay nay, giữa cuộc sống hối hả, người Ê Đê vẫn giữ được cho mình cách uống cà phê riêng biệt, chậm rãi và có chọn lọc. Duy chỉ có những tấm khăn thêu ngày xưa đã được thay dần bởi những phin cà phê hiện đại.
Tuy vậy, người Ê Đê uống cà phê không vội vã mà chậm rãi nhâm nhi cảm nhận cái vị đậm đà mà hạt cà phê nguyên chất mang lại...
Rang cà phê phải để lửa liu riu, không quá lớn để tránh hạt bị cháy. |
Với người đồng bào Ê Đê, những dịp uống cà phê bên nhau không chỉ để thưởng thức mà còn là cơ hội để mọi người quay quần bên nhau. Những dịp này còn là cơ hội để những thế hệ đi trước dạy cho thế hệ trẻ những điều hay lẽ phải, truyền lại những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình…
Cà phê thành phẩm sẽ được cất giữ trong bao lớn trước khi chế biến và bán ra thị trường. |
HỮU LONG (LĐO)