Du lịch

Hành trang lữ hành

Khám phá những ngôi làng cổ kính của Thủ đô Hà Nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Du khách tới Hà Nội sẽ không thể bỏ qua cơ hội để khám phá những ngôi làng cổ, với những nếp nhà cổ kính trong không gian cây đa, giếng nước, sân đình đầy thi vị và bình yên của Thủ đô.

Nếu có cơ hội đến thăm Hà Nội, du khách sẽ không thể bỏ qua cơ hội để khám phá những ngôi làng cổ, với những nếp nhà vừa bình dị vừa cổ kính trong không gian cây đa, giếng nước, sân đình đầy thi vị và bình yên của vùng đất nghìn năm văn hiến.

Xin giới thiệu một số ngôi làng cổ mà du khách nên khám phá tại Thủ đô.

Làng cổ Đường Lâm - đất hai vua

Sở hữu những giá trị văn hóa độc đáo, cảnh quan, kiến trúc tiêu biểu của vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng, làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) luôn là địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu.

Nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 44km, Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua.” Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… với 956 ngôi nhà truyền thống cùng những bức tường đá ong đặc trưng.

Lối vào nhiều căn nhà cổ ở Đường Lâm vẫn mộc mạc, đơn sơ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Lối vào nhiều căn nhà cổ ở Đường Lâm vẫn mộc mạc, đơn sơ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Chỉ với một ngày, bạn có thể khám phá mọi ngóc ngách của làng cổ Đường Lâm từ cổng làng, những con ngõ , những ngôi nhà cổ đến đình làng Mông Phụ, nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh, giếng cổ Đường Lâm, đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền…

Làng cổ Cự Đà

Cách trung tâm Thủ đô khoảng 20km về phía Tây-Nam, làng Cự Đà, Thanh Oai, Hà Nội không chỉ được biết là một không gian văn hóa độc đáo, nơi vẫn còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà cổ vẹn nguyên lối kiến trúc Việt ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, mà còn được biết đến là một làng nghề nổi tiếng với nghề làm miến và nghề làm tương truyền thống.

Con ngõ nhỏ ở làng cổ Cự Đà. (Ảnh: Phong Thu/VNP)
Con ngõ nhỏ ở làng cổ Cự Đà. (Ảnh: Phong Thu/VNP)

Những cây cổ thụ, mái đình, chùa, cổng làng, các ngôi nhà cổ kính... với mật độ dày đặc khiến chúng ta có cảm giác như được đi ngược lại thời gian, ít nhất là cả trăm năm.

Ngoài "kho tàng" về nhà cổ, Cự Đà còn có chùa, miếu đã được xếp hạng di tích quốc gia và đều là các công trình kiến trúc cổ. Đáng chú ý, là Đàn Xã Tắc bằng đá xanh được xây vào đầu thế kỷ 20 để tế lễ, cầu mưa thuận gió hòa.

Làng cổ Đông Ngạc

Cách trung tâm thành phố Hà Nội chỉ hơn 10km, làng Đông Ngạc vẫn còn lưu giữ được những dấu xưa, những nếp sống và truyền thống được trao truyền, trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội, xứng danh với câu ca “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ.”

Trong suốt hơn một trăm năm qua, dù nằm ngay trong thành phố nhưng các công trình kiến trúc tại làng Đông Ngạc vẫn được giữ nguyên vẹn, với 16 di tích bao gồm đình, đền, chùa, nhà thờ họ… và khá nhiều nhà cổ. Những ngôi nhà cổ ở Đông Ngạc có sự hòa trộn giữa hai trường phái kiến trúc Đông-Tây. Đan xen giữa những ngôi từ đường, nhà thờ họ theo lối kiến trúc truyền thống phương Đông là những biệt thự được xây dựng từ đầu thế kỷ XX theo kiến trúc Pháp.

Làng cổ Ước Lễ

Ước Lễ, tên nôm là làng Chảy (thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai), là một trong những ngôi làng cổ của xứ Đoài, nằm ở phía tây nam, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 30km. Nhắc đến Ước Lễ, nhiều người nhớ ngay tới đặc sản giò chả nức tiếng. Nhưng không chỉ có vậy, Ước Lễ còn là một làng quê giàu truyền thống văn hóa - một “bảo tàng sống" về lối sống nông nghiệp điển hình của nông thôn Bắc Bộ.

Đặt chân đến làng Ước Lễ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh làng quê yên bình, thanh tĩnh. Cổng làng Ước Lễ là công trình kiến trúc bề thế và được xây dựng với lối kiến trúc của ngôi làng cổ Trên nhà – dưới cổng (Thượng gia – hạ môn).

Bao quanh ngôi làng là con hào nhỏ, lũy tre dày, cùng với đó là cây đa cổ thụ và những nếp nhà cổ mang nét đặc trưng của xứ Đoài.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Thiện Tứ (79 tuổi) là một trong những ngôi nhà có giá trị lịch sử lâu đời và được bảo tồn, lưu giữ gần như nguyên vẹn ở làng Cựu. (Ảnh: Hà Anh/TTXVN)
Ngôi nhà của ông Nguyễn Thiện Tứ (79 tuổi) là một trong những ngôi nhà có giá trị lịch sử lâu đời và được bảo tồn, lưu giữ gần như nguyên vẹn ở làng Cựu. (Ảnh: Hà Anh/TTXVN)

Làng Cựu

Làng Cựu là ngôi làng cổ của mảnh đất kinh kỳ Hà Nội, thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40 km.

Làng Cựu vẫn còn giữ được cấu trúc của làng truyền thống dù đã trải qua biến động. Làng còn Cổng làng, đình, giếng. Đường làng bình yên với các ngõ nhỏ lát gạch và đá xanh.

Ngôi làng tồn tại bên dòng sông Nhuệ hàng trăm năm còn được biết đến với tên gọi khác là "làng Tây của Hà Nội" vì nơi đây vẫn còn tồn tại những ngôi biệt thự giao thoa kiến trúc Việt-Pháp xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Thiết kế hòa trộn giữa kiến trúc châu Âu nhưng vẫn giữ nét Á Đông trong những biệt thự nguy nga một thời.

Làng Yên Trường

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng chừng 30km, làng Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một ngôi làng cổ xây bằng đá ong có lịch sử hàng trăm năm tuổi.

Làng Yên Trường mang đậm nét đẹp của làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước và sân đình cùng những mảng tường bằng đá ong sậm màu đầy hoài niệm.

Đã bao nhiêu thế kỷ trôi qua nhưng xã Trường Yên còn giữ được nhiều chiếc giếng có độ tuổi hàng trăm năm và đây chính là nơi người dân trong làng đem đồ lễ tết ra giấu để chạy giặc năm xưa.

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm