Kon Tum đang vào mùa thu hoạch rộ cà-phê, song tình trạng khan hiếm lao động thu hái loại trái này ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nhà vườn ở tỉnh lâm vào cảnh đứng ngồi không yên, thậm chí phải nhìn cà-phê trên cây chín khô.
Thu hoạch cà-phê tại xã Hà Mòn, huyện Ðăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Đăk Hà là huyện có diện tích trồng cà-phê lớn nhất của tỉnh Kon Tum với hơn 9.300 ha. Những ngày này, trên tuyến quốc lộ 24, từ Quảng Ngãi lên Kon Tum, hàng chục xe máy nối đuôi nhau, chở người lao động mang theo lương thực lên thị trấn Ðăk Hà để thu hoạch thuê cà-phê. Tại điểm giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh đi các xã Hà Mòn, Ngọc Wang và Ngọc Réo, huyện Ðăk Hà hình thành nên "chợ lao động", nơi diễn ra các cuộc thương lượng giữa người lao động và các chủ vườn cà-phê để thỏa thuận điều kiện ăn ở, giá cả thu hoạch… Do nguồn lao động hằng năm tại huyện Ðăk Hà chỉ chiếm khoảng 30%, nên vào mùa chín rộ, nhân công thu hoạch cà-phê nơi đây thiếu hụt nghiêm trọng. Ðáng nói, tình trạng này kéo dài trong nhiều năm qua, nhưng đến nay, lực lượng lao động thu hái cà-phê vẫn chưa được cải thiện mà lại ngày càng khan hiếm hơn. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là lao động tại chỗ và các địa phương lân cận đi làm công nhân trong các khu công nghiệp, có việc làm và thu nhập ổn định, nên từ bỏ công việc đi thu hoạch cà-phê theo thời vụ.
Theo các chủ vườn cà-phê, trung bình một héc-ta cà-phê cần 15 đến 20 lao động thu hoạch trong thời gian 10 ngày. Do vậy, nhu cầu cần nhân công của các chủ vườn tại đây rất lớn khi bước vào thu hoạch rộ. Giá thu hoạch cà-phê đầu mùa là 75 nghìn đồng/tạ, nhưng do thiếu hụt người thu hoạch, hiện giá đã tăng lên 20 nghìn đồng, ở mức 95 nghìn đồng/tạ. Anh Lê Hữu Trác, chủ vườn cà-phê tại tổ dân phố 5, thị trấn Ðăk Hà cho biết: "Tôi đi thuê người hái cà-phê gần cả tuần nay mà chưa thuê được người nào. Người hái thì ít, người đi thuê lại nhiều. Do ảnh hưởng của mấy ngày mưa kèm với không thuê được nhân công, nên cà-phê trong vườn của tôi đã chín từ 70 đến 80% rồi mà vẫn chưa hái được. Nếu không thu hoạch kịp, cà-phê sẽ bị rụng, không thu gom được dẫn đến mất năng suất, chất lượng không cao". Với tình hình nhân công thu hái cà-phê thiếu nghiêm trọng như hiện nay, các chủ vườn đang lo lắng giá thuê hái cà-phê sẽ còn tăng cao trong những ngày tới.
Tình trạng khan hiếm lao động thu hoạch cà-phê hiện nay khiến nhiều nhà vườn lo lắng là tình trạng chung của tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Ðắk Lắk. Nếu không thỏa thuận được giá cả với người thu hoạch cà-phê thì họ bỏ đi làm nơi khác, cà-phê nếu chín không được thu hái kịp sẽ tự rụng khắp vườn, chất lượng cà-phê xuống thấp, giá bán không được cao dẫn đến thua lỗ. Ðây là nỗi lo lắng chung của người trồng cà-phê ở các tỉnh Tây Nguyên - nơi được mệnh danh thủ phủ cà-phê của cả nước.
Chị Ðinh Thị Bài, nhân công thu hoạch cà-phê đến từ xã Sơn Tăng, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Ði hái cà-phê vất vả lắm, 4 giờ sáng phải dậy đi làm, nghỉ trưa một tiếng để ăn cơm, sau đó làm đến 5 giờ chiều thì về. Chủ vườn lo chỗ ăn, nghỉ. Mỗi ngày, vợ chồng tôi hái được từ 7 đến 8 tạ. Tuy vất vả nhưng thu nhập từ nghề này khá cao".
Với diện tích trồng cà-phê hơn 406 ha và chỉ có hơn 70 lao động, Công ty cà-phê Ðăk Uy, huyện Ðăk Hà không thể đảm đương hết việc thu hái vào mùa thu hoạch. Nếu không thuê được lao động sẽ xảy ra tình trạng cà-phê không thu gom về được công ty, chưa kể chất lượng cà-phê còn bị sụt giảm, thất thoát. Chính vì lẽ đó, hai năm trở lại đây, công ty chủ động tìm kiếm nguồn lao động thời vụ mới, ký hợp đồng lao động là người địa phương, người dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi để cùng với lao động của công ty tập trung thu hái cho kịp thời vụ. Ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðăk Hà cho biết: "Trước đây, đến mùa thu hái cà-phê thì lao động chủ yếu đến từ các tỉnh phía bắc và các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam. Những năm gần đây, lao động thu hái mùa vụ thiếu trầm trọng, huyện đã chủ động lên kế hoạch điều tiết lao động trong huyện, nhất là trong những vùng không trồng cà-phê. Huyện yêu cầu các xã phối hợp đưa người lao động đi hái cà-phê, vừa giải quyết được phần nào tình hình thiếu hụt lao động, vừa tăng thu nhập cho người dân trong thời gian nhàn rỗi". Ông Hoàng Nghĩa Trí cho biết thêm, công tác bảo đảm an ninh trật tự mùa thu hái cà-phê được huyện quan tâm hàng đầu. Công an địa phương đã xây dựng kế hoạch quản lý lực lượng lao động các nơi khác đến, bảo đảm không bị mất trộm trong mùa vụ thu hái cà-phê, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông cho các phương tiện vận chuyển. Chính nhờ sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc nên những năm gần đây, tình trạng hái trộm cà-phê không còn xảy ra như trước.
Kon Tum hiện có hơn 16.000 ha cà-phê kinh doanh đang bước vào những ngày cao điểm thu hoạch, nhu cầu thuê nhân công thu hái lên đến hàng chục nghìn người. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều phương án hỗ trợ, nhưng tình hình thiếu hụt lao động vào mùa thu hoạch vẫn tiếp diễn, kéo dài, gây lo lắng cho các nhà vườn. Làm thế nào có đủ nhân công để thu hoạch cà-phê đúng tiến độ, đạt năng suất và bảo đảm chất lượng, là bài toán đang đặt ra cho chính quyền địa phương.
Phúc Thắng (NDĐT)