Pháp luật

Tin tức

Khẩn trương điều tra vụ chặt phá gần 2 ngàn cây cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lực lượng chức năng huyện Đak Đoa đang khẩn trương điều tra để xử lý nghiêm đối tượng có hành vi chặt phá gần 2 ngàn cây cà phê trên diện tích đất tranh chấp tại xã Ia Băng. 
Sáng 7-5, UBND xã Ia Băng nhận được thông tin về việc cây cà phê của người dân trồng trong vườn cao su của ông Dương Kim Thạch bị chặt phá. Vườn cao su này ông Thạch nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang vào năm 1993. Ngay lập tức, UBND xã chỉ đạo Công an xã xuống hiện trường xác minh thì phát hiện có 1.915 cây cà phê bị chặt ngang thân. Theo dấu vết để lại thì số cây cà phê trên bị chặt phá vào tối 6-5. 
Ủy ban nhân dân xã Ia Băng cũng xác định, số cà phê trên là của người dân thôn O Ngó tự ý trồng trên đất cao su của ông Thạch từ năm 2015 đến nay. Ban đầu, diện tích trồng nhỏ lẻ nhưng sau đó tăng dần. Gia đình ông Thạch đã trình báo cơ quan chức năng về việc người dân tự ý đào hố trồng cà phê trên đất cao su mà ông đang quản lý, sử dụng. Sau đó, UBND xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không được tự ý trồng cây và tiến hành hòa giải nhưng hai bên chưa có sự thống nhất hướng giải quyết.
Một đám cà phê bị chặt phá. Ảnh: V.N
Một đám cà phê bị chặt phá. Ảnh: V.N
Theo xác minh của lực lượng chức năng, số cà phê bị chặt là của 11 hộ dân trồng trên phần đất mà ông Thạch đang quản lý, sử dụng. Toàn bộ số hộ này đều là người dân tộc thiểu số trú tại thôn O Ngó. Một số hộ dân bị chặt phá nhiều như gia đình ông Bam bị chặt 425 cây cà phê trồng 3 năm; gia đình ông Thonh bị chặt 294 cây cà phê trồng 2 năm; gia đình ông Bun bị chặt 179 cây cà phê trồng 2 năm…
Ông Phạm Quý Thành-Chủ tịch UBND xã Ia Băng-cho biết: “Ủy ban nhân dân xã đã chỉ đạo Công an xã tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không được manh động, không tụ tập đông người trong quá trình chờ cơ quan chức năng điều tra, xử lý”. Cũng theo ông Thành, năm 1993, ông Thạch nhận chuyển nhượng 22 ha cao su thanh lý của Công ty Cao su Mang Yang. Đến năm 2009, khi ông Thạch tiến hành tái canh khoảng 12 ha cao su thì xảy ra tranh chấp. “Dân làng O Ngó cho rằng đây là đất của ông bà họ để lại từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Công ty Cao su Mang Yang đã lấy đất này để trồng cao su và vận động dân làng rằng sẽ tạo việc làm cho người dân, khi nào không trồng cao su nữa sẽ trả đất cho dân làng. Do đó, khi biết Công ty Cao su Mang Yang giao đất cho ông Thạch, người dân đã tiến hành lấn chiếm. Ủy ban nhân dân xã đã báo cáo UBND huyện có biện pháp xử lý nhưng chưa triệt để thì từ năm 2015, người dân tiếp tục trồng cà phê xen vào diện tích cao su còn lại của ông Thạch với mục đích lấn chiếm đất”-ông Thành nói. Chủ tịch UBND xã Ia Băng thông tin thêm, các bên đã tổ chức hòa giải nhiều lần, ông Thạch cũng đồng ý phương án đền bù chi phí trồng cà phê nhưng người dân đòi giá quá cao nên sự việc vẫn chưa được giải quyết. 
Được biết, Công an huyện Đak Đoa vẫn đang phối hợp với các cơ quan điều tra, xác minh đối tượng chặt phá vườn cây. Hầu hết các hộ dân nhận thức được việc mình trồng cà phê trên đất tranh chấp nên hiện chưa có yêu cầu cụ thể liên quan đến đền bù tài sản. Công an huyện đã phối hợp với các cơ quan khám nghiệm hiện trường, giám định thiệt hại để có căn cứ xử lý đối tượng liên quan. 
LÊ VĂN NGỌC 

Có thể bạn quan tâm