TN - Đất & Người

Khánh Hòa: Đề xuất xây Cao tốc Nha Trang-Đà Lạt với tổng vốn hơn 25.000 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cao tốc Nha Trang-Đà Lạt dự kiến dài hơn 80,8 km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/giờ; giai đoạn thực hiện khoảng từ 2024-2028, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.
Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến cao tốc được đưa vào vận hành và khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến cao tốc được đưa vào vận hành và khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngày 28/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có văn bản số 5535/UBND-XDND giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý đề xuất của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) về việc đầu tư, xây dựng đường bộ Cao tốc Nha Trang-Đà Lạt qua địa phận hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng.

Theo Tập đoàn Sơn Hải, hiện quốc lộ 27C (QL27C) là tuyến đường độc đạo nối thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Trên tuyến có đèo Khánh Lê dài khoảng 30km, là một trong những đèo dài nhất Việt Nam, địa hình quanh co hiểm trở, không thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển trọng tải lớn.

Quốc lộ 27C thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão và các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Với quy mô đường cấp 4-3, quốc lộ 27C có khả năng thông hành tối đa 10.000 PCU (quy đổi ra khoảng 4.200 xe loại 5 chỗ/ngày đêm), trong khi nhu cầu vận tải ngày càng cao, dự báo đến năm 2030, lưu lượng xe thông hành khoảng 9.800 - 10.900 PCU, dẫn đến tuyến đường sẽ mãn tải trước năm 2030.

Với nhu cầu vận tải hàng hóa bằng phương tiện trọng tải lớn từ Tây Nguyên đến các cảng biển duyên hải Nam Trung Bộ ngày càng cao và nhu cầu kết nối hai trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước là thành phố Đà Lạt - du lịch cảnh quan núi rừng và thành phố Nha Trang - du lịch biển bằng một tuyến đường chất lượng cao và an toàn; nhu cầu cơ động nhanh trong nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, thì việc đầu tư đường bộ cao tốc nối từ Nha Trang đến Đà Lạt là cần thiết và cấp bách.

Dự án đường bộ Cao tốc Nha Trang-Đà Lạt sau khi đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn khoảng 1,5-2 giờ (so với hiện tại khoảng 3,5-4 giờ), là động lực lớn thu hút du khách tham gia các tour du lịch kết nối biển và hoa, thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng.

Cao tốc Nha Trang-Đà Lạt sẽ hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải.

Theo Tập đoàn Sơn Hải, hiện doanh nghiệp đang tập trung chuẩn bị đầu tư và đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường bộ Cao tốc Nha Trang-Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.

Cụ thể, Cao tốc Nha Trang-Đà Lạt dự kiến dài hơn 80,8 km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/giờ; giai đoạn thực hiện khoảng từ 2024-2028.

Dự án có điểm đầu giao với cao tốc Bắc-Nam tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại ngã ba Darahoa thuộc phường 12, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Theo dự toán ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án 17.540 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động hơn 7.500 tỷ đồng.

Tập đoàn Sơn Hải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nhằm sớm hoàn thiện các thủ tục để triển khai, đầu tư dự án trước năm 2030.

Có thể bạn quan tâm