(GLO)- Sau những tháng ngày đối mặt với bức tường lạnh lẽo nơi phòng giam, các phạm nhân mới nhận thấy giá trị của sự tự do và mái ấm gia đình. Họ đã cố gắng chấp hành hình phạt để trả giá cho những sai lầm của mình và mong được trở về làm lại từ đầu với một khát vọng hoàn lương mãnh liệt.
Nhân dịp lễ Quốc khánh 2-9, Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) tổ chức trao quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và quyết định tha tù có điều kiện cho hơn 500 phạm nhân đã chấp hành tốt trong thời gian thi hành án. Biết mình nằm trong danh sách sẽ được giảm đến hết thời hạn chấp hành, Bùi Văn Đỉnh (SN 1973, trú tại làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang) vui mừng cả đêm không ngủ. Đỉnh hồi hộp chờ đợi đến ngày nhận quyết định để được cởi bỏ tấm áo phạm nhân và trở về làng.
Đỉnh là một phạm nhân khá đặc biệt. Một ngày giữa năm 2019, trong khi thử khẩu súng hơi bắn đạn chì, Đỉnh vô tình bị ngã khiến súng cướp cò bắn trúng vào một cháu nhỏ đang đứng cùng nhóm bạn tò mò xem thử súng. Cháu bé vĩnh viễn ra đi, Đỉnh lãnh án phạt 15 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”.
Những tháng ngày trong tù, Đỉnh day dứt khôn nguôi về hành động thiếu cẩn trọng của mình. Chính nỗi ân hận ấy khiến Đỉnh quyết tâm chấp hành án thật tốt để trở về bù đắp cho gia đình nạn nhân. Đỉnh chia sẻ: “Mình đã lỡ lầm nên sẽ cố gắng để không bao giờ trở lại trại giam nữa. Đợt này mình được ra tù sớm trước 1 tháng, cũng vừa đúng dịp con gái lớn chuẩn bị lấy chồng nên vui lắm”.
Niềm vui của Bùi Văn Đỉnh trong ngày được trở về với tổ ấm gia đình. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Ở mái nhà nhỏ nơi góc làng Đê Kjiêng, chị H’Rưng (vợ Đỉnh) hàng ngày ngóng đợi chồng về. Biết chồng được ra tù sớm, từ sáng tinh mơ chị đã dọn dẹp nhà cửa, chọn cho mình một bộ quần áo tươm tất để đi đón chồng. Chị H’Rưng bày tỏ: “Từ nay, mình khuyên chồng chăm chỉ làm ăn, không đụng đến súng ống gì nữa”.
Tững (SN 2000, trú tại làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cũng đã nở nụ cười rạng rỡ khi đón cơn gió mát rượi thổi qua hàng thông trước cổng trại. Năm 2018, trong một buổi tối đã uống rượu say khướt, Tững điều khiển xe máy gây ra vụ tai nạn khiến 1 người tử vong. Những vết thương đã tạo thành sẹo trên khuôn mặt của cậu trai trẻ. Tững bị phạt 1 năm 6 tháng tù. Cha mẹ Tững phải ở nhà bán mấy sào rẫy để có hơn 200 triệu đồng đền cho gia đình người bị hại.
Từ ngày vào tù, Tững mới tỉnh ngộ và hối hận cho một phút sai lầm của mình đã đem đến tai họa cho nhiều người. Tững thương cha mẹ già ở nhà còng lưng với nương rẫy vẫn mong ngóng ngày cậu con trai trở về. “Nghĩ về cha mẹ nên mình luôn nghiêm túc cải tạo. Đợt này, mình được Ban Giám thị trại giam cho ra tù trước thời hạn có điều kiện hơn 6 tháng. Mình sẽ không dám đi xe nếu uống bia rượu nữa”-Tững thổ lộ.
Thượng tá Đào Ngọc Sỹ trao quyết định cho các phạm nhân được tha tù có điều kiện trong đợt Quốc khánh 2-9. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Không có người thân đến đón nơi cổng trại, Nay Trưng (SN 1989, trú tại xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) vội vã lên chuyến xe của trại giam chở ra quốc lộ 19 để đón xe về nhà. Trưng đã từng lầm lỡ đi theo chúng bạn trong một lần trộm cắp dây cáp điện và bị tuyên án 2 năm 9 tháng tù.
Trưng đi tù, vợ Trưng phải ở nhà gồng gánh nuôi 2 con nhỏ. Hoàn cảnh khó khăn, vợ con Trưng mới chỉ duy nhất 1 lần có điều kiện đến trại giam thăm chồng. Bởi thế, nỗi nhớ gia đình đã thôi thúc Trưng trở thành một trong những phạm nhân có ý thức chấp hành tốt được giảm án trong dịp Quốc khánh 2-9 này.
“Ngày ấy, mình lầm lỡ khiến vợ con phải chịu khổ. Sau khi ra tù, mình sẽ chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh, tập trung làm ăn để bù đắp những thiếu thốn của vợ con những năm vừa qua. Giờ mình sẽ bắt xe về Phú Thiện ngay, không biết đứa con gái nhỏ có còn nhớ mình không, vì khi mình đi tù nó mới chập chững tập đi, vừa biết gọi cha”-Trưng rươm rướm nước mắt khi nghĩ đến tổ ấm bé nhỏ đã xa cách bấy lâu.
Thượng tá Đào Ngọc Sỹ-Phó Giám thị Trại giam Gia Trung: “Các phạm nhân được nhận quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và quyết định tha tù có điều kiện lần này đều có ý thức chấp hành cải tạo rất tốt, hầu hết mới phạm tội lần đầu. Để hỗ trợ cho họ trở về với gia đình, với xã hội khỏi bỡ ngỡ, tự ti, trại giam đã chú trọng việc giáo dục kỹ năng sống. Đơn vị đã trích kinh phí từ các quỹ “Tái hòa nhập cộng đồng”, “Tấm lòng vàng” để giúp phạm nhân khi trở về vơi bớt phần nào sự khó khăn về kinh tế, có nguồn vốn đầu tư lao động, sản xuất, trở thành một công dân tốt”. |
LÊ VĂN NGỌC