Thời sự - Bình luận

Khi các "ông lớn" bất động sản nợ thuế đầm đìa  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (TP Thủ Đức), Công ty Golden Hill, Tập đoàn Đất Xanh…, hàng loạt những “ông lớn” bất động sản có tên trong danh sách nợ thuế 43.918 tỉ, chỉ ở riêng tại TP Hồ Chí Minh.
 

Hàng trăm dự án bị vướng pháp lý đang kéo dài suốt nhiều năm qua. Ảnh: Anh Dũng
Hàng trăm dự án bị vướng pháp lý đang kéo dài suốt nhiều năm qua. Ảnh: Anh Dũng


Cục Thuế TP Hồ Chí Minh vừa nói đến tình trạng nợ thuế đang tăng rất cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Nhưng hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên khi trong “danh sách đen” nợ thuế, xuất hiện hàng loạt những “ông lớn” bất động sản.

Tập đoàn như Công ty Golden Hill nợ thuế 645 tỉ đồng; Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (TP Thủ Đức) nợ 442 tỉ đồng; Tập đoàn Đất Xanh nợ 85 tỉ đồng; Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (TP Thủ Đức) nợ 106 tỉ đồng...

Chưa kể 2 doanh nghiệp đang khiếu nại tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng đang có số nợ thuế lớn với lần lượt là 2.676 tỉ và 6.098 tỉ đồng.

Theo Cục Thuế TP HCM, mới chỉ tính đến 30.11.2022, tổng số tiền nợ thuế đã lên tới 43.918 tỉ đồng, tăng 4.622 tỉ đồng, tương ứng 11,76% so với thời điểm 31.12.2021.

Những con số rất không vui, phản ánh những khó khăn cực điểm mà khu vực bất động sản đang phải gánh chịu từ việc nguồn vốn gần như bị cắt đứt và thanh khoản ở một số khu vực gần như bị đóng băng.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, khu vực bất động sản đang nổi lên một số khó khăn, mà cái khó nhất, vướng nhất hoá ra lại thuộc về cơ chế, rằng: Một số quy định pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai, đầu tư… còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Doanh nghiệp bất động sản cũng “kêu cứu” nhiều nhất là ở các vướng mắc pháp lý liên quan đến đất đai, như việc tính tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng…

Tất nhiên, không thể không nhắc tới những khó khăn từ việc khan hiếm nguồn lực tài chính, do khó tiếp cận tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu và áp lực đáo hạn trái phiếu.

Vậy là những khó khăn của bất động sản đã được Tổ công tác của Chính phủ nhìn nhận, khá rõ ràng.

Và có lẽ, bất động sản đang thật sự cần cấp cứu.

Bởi nợ thuế đang là chỉ dấu phản ánh sức khoẻ tài chính doanh nghiệp. Bởi nợ thuế là hệ quả khi doanh nghiệp đã áp dụng tất cả các biện pháp, kể cả chiết khấu sản phẩm ở mức 45-50%, thậm chí cắt giảm lao động.

Một ngành kinh tế đóng góp rất lớn (11 tháng đã đóng tới 17,2% tổng thu nội địa), kéo theo tổng cộng đến 40 ngành nghề không thể cứ để chết rồi mới cứu.


https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khi-cac-ong-lon-bat-dong-san-no-thue-dam-dia-1136753.ldo

Theo Đào Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm